Khách qua bến xe Tp. Hồ Chí Minh dịp Tết Nguyên đán 2025 dự báo tăng nhẹ

16:50' - 25/11/2024
BNEWS Các bến xe khách liên tỉnh tại Tp. Hồ Chí Minh đều dự báo lượng khách đi lại dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Giá vé tại các bến cũng tăng 40 - 60% so với ngày thường để bù chi phí xe chạy rỗng.

 

Hiện 3 bến xe khách liên tỉnh lớn nhất là Bến xe miền Tây (quận Bình Tân), Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh) và Bến xe miền Đông mới (thành phố Thủ Đức) đều đã lên kế hoạch cho 20 ngày cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán 2025. Theo đó, thời gian phục vụ từ ngày 19/1 đến ngày 7/2/2025 (nhằm ngày 20 tháng Chạp đến Mùng 10 tháng Giêng).

Tuyến có lượng khách đi lại đông nhất là về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Dịp Tết Nguyên đán 2025, Bến xe miền Tây dự kiến có 33.650 lượt xe qua bến, phục vụ 760.000 lượt khách. Con số này tăng khoảng 5% lượng khách so với Tết năm trước và tăng gần 40% so với ngày thường.

Theo ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe miền Tây, do đặc điểm các tuyến về miền Tây lượng hành khách thường tập trung đi lại vào các ngày cuối năm, cao điểm bắt đầu từ ngày 26 tháng Chạp (25/1/2025). Cao điểm nhất tại Bến xe miền Tây sẽ rơi vào ngày 27 tháng Chạp (26/1/2025) khi có hơn 2.080 xe và 62.500 khách qua bến, tăng 62% lượng khách so với ngày thường.

Trong các ngày cao điểm, Bến xe miền Tây tổ chức bán vé từ 5 giờ đến 21 giờ trong ngày đối với đơn vị ủy thác bến bán vé và 24/24 đối với đơn vị tự bán vé. Ngoài ra, hành khách có thể đặt vé qua các đơn vị vận tải tự bán vé như: Phương Trang, Kumho Samco, Tuấn Nga, Hùng Cường…, vốn có kế hoạch bán vé trước cho hành khách qua tổng đài, trang web đơn vị.

Về giá vé, dự kiến các tuyến về Đồng bằng sông Cửu Long tăng không quá 40% so với mức giá vé ngày thường. Thống kê hàng năm cho thấy, đa số các đơn vị vận tải thực hiện thời gian tăng giá trong 6 ngày (từ 26 tháng Chạp đến hết ngày Mùng 2 tháng Giêng). Các tuyến đường khu vực Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc sẽ theo kế hoạch của Bến xe miền Đông và Bến xe miền Đông mới.

Để tránh ùn tắc giao thông, Bến xe miền Tây kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh phối hợp Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Đồng Nai phân luồng giao thông trục đường Quốc lộ 1, cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Rạch Miều, cầu Mỹ Thuận và cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây trong dịp Tết sắp tới.

Bến xe miền Tây cũng đề nghị Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Tp. Hồ Chí Minh xét cấp cho bến xe 200 phù hiệu xe chạy tuyến cố định tăng cường; đồng thời hỗ trợ tăng cường xe buýt để kịp thời giải tỏa hành khách vào các ngày cao điểm khi cần thiết.

Với Bến xe miền Đông hiện hữu, dự báo tình hình khách qua bến xe tương đương so với năm trước (chỉ tăng khoảng 1%), với khoảng 181.000 khách, hơn 9.300 lượt xe qua bến. Khách tập trung cao trong 10 ngày trước Tết, khoảng 140.000 khách với hơn 5.000 lượt xe xuất bến, trong đó nhiều nhất là các ngày 26 và 27 tháng Chạp với gần 19.000 khách mỗi ngày.

Bến xe miền Đông khuyến khích các doanh nghiệp không tăng giá cước trong thời gian phục vụ Tết Ất Tỵ. Nếu điều chỉnh, tùy theo giai đoạn, các đơn vị tăng không quá 40% hoặc 60% với các tuyến về Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông; riêng các tuyến về Bình Dương, Bình Phước tăng không quá 40%. Với các xe tăng cường, Bến xe miền Đông sẽ xây dựng bộ giá cước cụ thể để giải quyết nhu cầu của hành khách lúc cao điểm.

Trong khi đó, dù được đầu tư quy mô lớn nhất nhưng Bến xe miền Đông mới dự báo lượng khách dịp Tết thấp hơn các bến khác. Dự kiến, Bến xe miền Đông mới phục vụ khoảng 138.000 khách qua bến (tăng khoảng 3% năm trước), trong đó giai đoạn trước Tết có khoảng 90.000 khách qua bến. Các ngày cao điểm nhất trước Tết, bến xe cũng chỉ có khoảng 11.300 - 13.000 khách, trong khi các ngày còn lại bình quân 7.000 - 8.000 lượt khách.

Theo ông Nguyễn Lâm Hải, Phó Giám đốc Ban Bến xe miền Đông mới, bến xe còn gặp nhiều khó khăn do tình hình “bến cóc, xe dù”, “xe trá hình” trong trung tâm thành phố, trên các trục quốc lộ, điểm đón trả khách vẫn hoạt động không đúng quy định. Hạ tầng giao thông và các phương thức vận tải kết nối với bến xe mới cũng chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, hiện một số đơn vị vận tải cũng chuyển sang bến khác hoặc sang hình thức xe hợp đồng; thậm chí một số doanh nghiệp vận tải lập văn phòng đón khách xung quanh bến xe mới.

Về giá vé, Bến xe mới miền Đông đề nghị các đơn vị tăng giá vé không quá 40 - 60%, tùy theo chặng tuyến, thời điểm. Tổng Công ty Samco (chủ quản bến xe) sẽ tổ chức bán vé trước trên một số tuyến đường có nhu cầu tăng đột biến hoặc các tuyến có nhu cầu nhưng đơn vị vận tải không có phương tiện đưa vào phục vụ. Tổng Công ty cũng đề nghị các đơn vị bố trí phương tiện dự phòng để giải tỏa khách trong trường hợp có biến động tăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục