Sẽ xây dựng 80 đập sà lan di động ngăn mặn

13:53' - 29/10/2015
BNEWS Tỉnh Hậu Giang đang chỉ đạo các địa phương đầu tư xây dựng hệ thống cống, đập ngăn mặn giữ ngọt.

Cống ngăn mặn giữ ngọt trến tuyến kênh Xà No, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Nhận định tình hình thiên tai đang có chiều hướng bất thường, tỉnh Hậu Giang đã chủ động xây dựng phương án ứng phó nhằm bảo vệ vụ mùa sản xuất trong mùa khô, nhất là những tháng cao điểm cuối năm 2015 và đầu năm 2016 khi mực nước biển dâng cao, xâm nhập vào nội đồng.

Trước mắt, tỉnh xin chủ trương Tổng cục Thủy lợi nghiên cứu và đầu tư cho Hậu Giang xây dựng 80 đập ngăn mặn bằng hình thức đập sà lan di động.Theo tính toán, nếu mỗi cống ngăn mặn xây dựng theo kiểu truyền thống tốn khoảng 1,2 tỷ đồng, riêng đập xà lan chỉ tốn khoảng 400 đến 500 triệu đồng. So sánh về mặt kinh tế, đập xà lan rẻ hơn xây cống với thời gian sử dụng lên đến 20 năm và có nhiều ưu điểm vượt trội. 

Ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hậu Giang lý giải, địa bàn tỉnh Hậu Giang phát triển đập xà lan đánh chìm ngăn mặn trong mùa mặn rất phù hợp. Thay vì tốn tiền xây một cái cống, mà cống đó cũng có thể sử dụng từ 15-20 năm, nhưng quy trình đóng mở phải có người quản lý thường xuyên. Sử dụng đập xà lan đánh chìm rất tiện lợi trong việc khơi thông dòng chảy, giao thông đường thủy, chỉ ngăn vào mùa mặn nên rất tiện dụng. 

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Nam bộ, mùa khô năm nay hạn hán, xâm nhập mặn khó lượng. Thường mùa mưa ở Nam Bộ sẽ dứt điểm vào cuối tháng 10 và xâm nhập mặn sẽ bắt đầu vào tháng 12 với nồng độ mặn sẽ cao hơn trước. Đặc biệt, mùa khô năm nay sẽ diễn ra gay gắt và kéo dài đến hết tháng 4/2016. 

Cụ thể, ở Hậu Giang, các khu vực giáp ranh với 2 tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu khả năng nồng độ mặn năm nay lên đến 11 phần nghìn và lấn sâu vào khu vực nội đồng, đe dọa trực tiếp diện tích 14.000 ha và nếu không có biện pháp đối phó kịp thời, sẽ ảnh hưởng gián tiếp thêm 16.000 ha trong vùng ngọt. 

Để bảo vệ hơn 30.000 ha đất sản xuất nông nghiệp có nguy cơ nhiễm mặn và thiếu nước, thời gian qua tỉnh Hậu Giang đã đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn Nam Xà No và đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh. Đồng thời, khẩn trương nạo vét kênh mương nội đồng để trữ ngọt. 

Tỉnh cũng khuyến cáo bà con chủ động đối phó khô hạn, mặn xâm nhập bằng cách gia cố lại đê bao, đồng ruộng sản xuất lúa, hoa mua, vườn cây ăn trái; tích trữ nước ngọt vào ao hồ, đồng ruộng. Về lâu dài nên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, đặc biệt là áp dụng phương pháp tưới tiêu tiết kiệm nước; liên kết sản xuất theo tổ hợp tác, hợp tác xã… 

Trước đó, những tháng đầu năm 2015 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã xảy ra nhiều đợt triều cường dâng cao, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đe dọa hàng chục nghìn héc ta đất sản xuất nông nghiệp vùng ngọt hóa./. 

Huỳnh Sử

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục