Nhiều triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2017

19:35' - 11/11/2016
BNEWS Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng xuất khẩu cùng lượng kiều hối tăng hàng năm là những nguồn lực quan trọng giúp Việt Nam tăng trưởng ổn định và nâng tầm trong khu vực.

Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam triển vọng 2017”, được tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh, chiều 11/11.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua và cũng là mục tiêu sẽ tiếp tục được thực hiện trong 5 năm tới.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định yếu tố tăng trưởng tín dụng cần phải được xây dựng phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và mức gia tăng lạm phát, tính hiệu quả của việc sử dụng nguồn vốn; trong đó, nguồn vốn là yếu tố đầu vào quan trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn của ngân hàng và khó huy động vốn từ các kênh khác.

Để duy trì chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Hồng, cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì định hướng điều hành theo hướng nguồn vốn ưu tiên tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát tín dụng ở những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán…

Tùy theo từng giai đoạn mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có những công cụ điều tiết phù hợp với diễn biến thị trường.

Tuy nhiên, cách thức điều hành đã thay đổi nhiều so với những năm trước đây theo hướng linh hoạt và kịp thời hơn.

Mỗi năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Đơn cử, năm 2016 với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 18% nhưng không vượt quá 20%.

Tính đến ngày 8/11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt xấp xỉ 13%, nên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt được như kế hoạch, vì thông thường những tháng cuối năm sẽ cao.

Đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm tới, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới nên chịu sự ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ các nền kinh tế khác, vốn đang có xu hướng phát triển chậm lại.

Do đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn đảm bảo tăng trưởng, nhưng sẽ chậm hơn so với những năm trước và kỳ vọng có thể đạt khoảng 6,3%.

Phân tích sâu hơn về những tác động đến nền kinh tế Việt Nam, ông Sebastian Eckardt, chỉ ra rằng, Việt Nam nằm trong nhóm những nền kinh tế mới nổi thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương và có sức chịu đựng cao đối với các tác động do tình hình chung của kinh tế thế giới, vốn tăng trưởng chậm và có khuynh hướng đi xuống.

Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa, Việt Nam cần đẩy mạnh việc tăng năng suất lao động.

Bởi thực tế hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức rất thấp so với một số nước trong khu vực.

Song song đó, Việt Nam nên tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, t ạo môi trường thuận lợi về thuế, thủ tục hành chính, giải ngân vốn... nhằm giúp doanh nghiệp phát triển năng động hơn.

Ông Ashish Kanchan, Giám đốc điều hành, Công ty Kantar TNS Vietnam, cho hay, Việt Nam hiện là nước có dân số đứng thứ 13 thế giới, thứ 2 khu vực ASEAN; trong đó, dân số trẻ với nhu cầu tiêu dùng cao, góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho thị trường nội địa và mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát xu hướng tiêu dùng trong năm 2017 tại Việt Nam do Công ty Kantar TNS Vietnam thực hiện cho thấy, các ngành có tiềm năng tăng trưởng cao như giáo dục, y tế, công nghệ, nhà hàng, khách sạn, ô tô... ; trong đó, những sản phẩm, dịch vụ hướng đến phục vụ đối tượng là trẻ em và người trung niên sẽ tăng trưởng tốt trong những năm tới.

Ông Ashish Kanchan khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, không nên ngần ngại đầu tư và tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô. Bởi không chỉ hiện tại mà trong tương lai ngành này sẽ duy trì mức tăng trưởng rất cao.

Ngoài ra, các ngành thực phẩm, tiêu dùng nhanh, bán lẻ... cũng rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, do doanh nghiệp Việt Nam đang thắng thế trên thị trường nội địa nên cần ưu tiên phát triển, mở rộng thị trường.

Theo các chuyên gia, qua nhiều năm đầu tư sản xuất, kinh doanh nghiêm túc và bài bản, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua thử thách của thị trường, tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng, xây dựng được những thương hiệu lớn mạnh như Vinamilk, Vissan, Trung Nguyên, Minh Long...

Mặt khác, nhiều khảo sát thực tế cho thấy, yếu tố thúc đẩy xu hướng tiêu dùng tại thị trường Việt Nam là do độ tin cậy đối với thương hiệu hàng Việt Nam tăng lên theo từng năm, đồng thời nhiều nhãn hàng Việt Nam đã có thể cạnh tranh với nhãn hàng nước ngoài.

Việt Nam đang là nền kinh tế phát triển và có nhu cầu thật sự về tiêu thụ nội địa. Đó chính là động lực thay đổi của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tổng đầu tư trên GDP do nguồn đầu tư FDI đổ vào Việt Nam, đầu tư công, kiều hối... cũng sẽ tăng cao, tạo đòn bẩy cho các ngành kinh tế khác phát triển trong thời gian tới, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục