Nhiều vướng mắc trong tiếp cận đất đai gây khó cho doanh nghiệp

17:07' - 27/06/2018
BNEWS Tiếp cận đất đai là một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư và sản xuất kinh doanh. Luật Đất đai năm 2013 đang gây nhiều khó khăn và trói chân doanh nghiệp.
Nhiều vướng mắc trong tiếp cận đất đai gây khó cho doanh nghiệp.

Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS-TTXVN

Ngày 27/6, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo "Pháp luật và thực tiễn về tiếp cận đất đai của doanh nghiệp tại Việt Nam". Sự kiện thu hút mối quan tâm của đông đảo cộng đồng doanh nghiệp, giới luật sư, các chuyên gia nghiên cứu và đại diện các bộ, ngành

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) nhận định, tiếp cận đất đai là một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư và sản xuất kinh doanh.

Những vướng mắc về quy định pháp luật; trong đó, có pháp luật về đất đai mà trực tiếp là Luật Đất đai năm 2013 hiện đang gây nhiều khó khăn và trói chân doanh nghiệp.

Trong quá trình thực thi Luật Đất đai, ngoài những kết quả đạt được nhằm tăng cường hiệu quả quản lý đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nhằm phục vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng, vẫn còn nhiều bất cập nảy sinh liên quan đến tiếp cận đất đai của doanh nghiệp.

Đến nay, Bộ Tư pháp đã nhận được ý kiến bằng văn bản của 12 bộ và cơ quan ngang bộ; 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 4 tập đoàn; 3 hiệp hội, 3 ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao về những bất cập, chồng chéo, vướng mắc giữa các quy định của pháp luật liên quan đến việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, Chuyên gia cao cấp về đất đai, khẳng định, Luật Đất đai năm 2013 không bảo đảm tính đồng bộ với Hiến pháp năm 2013 và các luật khác.

Chỉ ra một số ví dụ chồng chéo, ông Võ nêu, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013 về cơ chế giải quyết “dự án treo” trên nguyên tắc Nhà nước sẽ thu hồi cả đất đai và tài sản gắn liền đã đầu tư sau khi gia hạn 24 tháng thực hiện đối với các dự án rơi vào tình trạng bị treo.

Quy định này trái với Hiến pháp năm 2013 và Luật Đầu tư năm 2014 về quy định Nhà nước cam kết bảo hộ tài sản của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư.

Cũng đồng quan điểm với Giáo sư Đặng Hùng Võ, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng ghi nhận nhiều bất cập trong quy định của pháp luật, cụ thể như trong vấn đề thu hồi đất.

Điều 54, khoản 3, Hiến pháp năm 2013 quy định “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng an ninh; phát triển kinh tế-xã hội; vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

Tuy nhiên, khi cụ thể hóa điều này trong Luật Đất đai, cụm từ “trong trường hợp thật cần thiết” và “vì lợi ích quốc gia, công cộng” đã không còn bảo đảm cả hình thức và nội dung, cụ thể tại Điều 62, Luật Đất đai năm 2013…

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận sôi nổi, chỉ ra nhiều bất cập trong quy định về quyền sở hữu và quyền sử dụng đất, trong quy định về thu hồi đất, bồi thường khi thu hồi và giá đất; mẫu thuẫn giữa pháp luật về đất đai với các pháp luật khác về xây dựng, giao thông, đấu thầu, đầu tư, doanh nghiệp.

Các đại biểu khẳng định, những bất cập này làm bó buộc các quyền của doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; đồng thời gây tình trạng lãng phí, lợi ích nhóm trong việc thu hồi đất, cấp, giao và cho thuê đất.

Ngoài, những vướng mắc trong quy định pháp luật về tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều bất cập trong thực tiễn thi hành như rào cản về thủ tục, yêu cầu chồng chéo… cản trở việc tiếp cận đất đai của doanh nghiệp; đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những khó khăn về phía cơ quan Nhà nước trong tổ chức triển khai quy định về tiếp cận đất đai của doanh nghiệp…

Trên cơ sở chỉ ra những bất cập trên, các đại biểu kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 sao cho đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành, tránh chồng chéo và cần phù hợp với thực tiễn vấn đề tiếp cận đất đai của doanh nghiệp./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục