Tồn đọng 50 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai tại huyện Mê Linh, Hà Nội

19:28' - 15/05/2018
BNEWS Huyện Mê Linh (Hà Nội) là một trong những địa phương có tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá nhanh với nhiều dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Nằm ở phía Bắc của thành phố Hà Nội, huyện Mê Linh là một trong những địa phương có tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá nhanh với nhiều dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Song, do nhiều dự án thực hiện ở các giai đoạn khác nhau (trước và sau khi sáp nhập về Hà Nội) nên chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nảy sinh mâu thuẫn, không thống nhất giữa các thời kỳ, thậm chí còn chồng chéo.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn.

50 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Bùi Xuân Quang cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có tổng số 50 dự án đầu tư ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm quy định của Luật Đất đai; trong đó, có 47 dự án đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất 2.445 ha và 3 dự án đầu tư phát triển kinh tế khác.

Cụ thể, trong số 47 dự án xây dựng nhà ở, có 15 dự án đã có chủ trương nhưng không triển khai đầu tư, diện tích 722ha; 14 dự án đã giải phóng mặt bằng xong nhưng chậm hoàn thành các hạng mục đầu tư xây dựng với tổng diện tích 970,74ha; 18 dự án chậm triển khai giải phóng mặt bằng, diện tích 752,49 ha.

Đáng chú ý, có một số dự án quy mô lớn được chấp thuận chủ trương từ gần 10 năm nay nhưng không triển khai đầu tư. Đơn cử như dự án Khu đô thị mới Vinalines tại 3 xã Đại Thịnh – Thanh Lâm và Tráng Việt 114,96ha; Khu đô thị mới sông Hồng Thủ đô 44,60ha tại xã Mê Linh – Tiền Phong; Khu nhà ở Phương Viên 30,87ha tại 4 xã Tam Đồng – Đại Thịnh – Văn Khê – Thạch Đà; Khu đô thị mới An Thịnh 77,25ha; Khu đô thị mới Việt Á xã Thanh Lâm 23ha; Khu đô thị mới BMC xã Đại Thịnh 40,64ha; Khu đô thị mới Prime Group tại xã Đại Thịnh – Tráng Việt 99,17ha; Khu đô thị Mê Linh – Đại Thịnh và Thanh Lâm – Đại Thịnh 1 với diện tích 195,41ha (mà đến nay vẫn chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500)…

Theo lãnh đạo huyện Mê Linh, đa số các dự án trên đều được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất, sau khi sáp nhập về Hà Nội, một số dự án không phù hợp quy hoạch nên phải điều chỉnh. Một số chủ đầu tư không liên hệ với huyện để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án; huyện không có hồ sơ và thông tin nên khó khăn trong việc đôn đốc thực hiện theo quy định.

Hiện nay, khó khăn, vướng mắc của các dự án là các chủ đầu tư chưa thực hiện điều chỉnh xong quy hoạch theo các quy hoạch phân khu đã được phê duyệt nên chưa có cơ sở xác định chính xác vị trí khu đất thương phẩm phải thu hồi; đồng thời, chưa có cơ sở lập hồ sơ trình UBND thành phố thu hồi và giao đất, lập phương án sử dụng đất thương phẩm.

Các tuyến đường quy hoạch cũng chưa được triển khai thực hiện dẫn đến một số dự án không có đường giao thông kết nối với hạ tầng nên khó khăn cho các chủ đầu tư trong việc triển khai xây dựng.

Một khó khăn rất lớn nữa của huyện Mê Linh trong nhiều năm qua liên quan đến giải phóng mặt bằng dự án là gặp phải sự cản trở của một số hộ dân, do việc chậm giao đất dịch vụ cho người dân bị thu hồi đất. Về vấn đề này, UBND huyện đã có văn bản đề xuất UBND thành phố chấp thuận chủ trương giao đất dịch vụ nhưng chưa được thành phố chấp thuận.

Tính đến thời điểm này, tổng số còn hơn 6.000 hộ phải giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện, với tổng diện tích 14,2ha nhưng chưa được thành phố đồng ý chủ trương.

“Đây là một trong những tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện ở huyện và thành phố, do các hộ dân bị thu đất nông nghiệp và đã bàn giao đất cho Nhà nước để thực hiện các dự án từ trước khi sáp nhập về Hà Nội, nhưng đến nay chưa được giao đất dịch vụ theo chính sách của Vĩnh Phúc”, ông Bùi Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh nhấn mạnh.

Cần sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Xác định rõ những tồn tại, hạn chế cũng như vướng mắc trên, UBND huyện Mê Linh đã yêu cầu các chủ đầu tư chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng của thành phố điều chỉnh quy hoạch và thực hiện các bước đầu tư dự án; đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với các dự án triển khai liên quan đến đất dịch vụ.

Tuy nhiên, trước mắt huyện rất cần UBND thành phố sớm xem xét, chấp thuận chủ trương giao đất dịch vụ theo văn bản đã đề xuất.

Huyện cũng đề nghị thành phố có hướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn đối với một số dự án đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, hiện đã xong khâu giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư thực hiện triển khai thi công nhưng nhân dân ngăn cản không cho thi công do chưa cấp đất dịch vụ như: Khu biệt thự nhà vườn Nhung Nga, Khu nhà ở Minh Đức, Khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và mở rộng, Khu nhà ở cho người thu nhập thấp.

Cùng với đó, đối với dự án không phải điều chỉnh quy hoạch và các dự án đã được thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mà đã xây dựng xong phần hạ tầng như Khu nhà ở Hà Phong, Khu đô thị Cienco 5 và Khu đô thị Long Việt cùng một số dự án đã đầu tư một phần hạ tầng nhưng triển khai còn chậm như Khu đô thị An Phát, Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, Khu biệt thự nhà nghỉ Nam Sơn... huyện đề nghị thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo chủ đầu tư tiếp tục đầu tư, hoàn thiện dự án.

Thực tế, huyện cũng đã nhiều lần có văn bản đôn đốc hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng nhưng một số chủ đầu tư các dự án không triển khai.

Ngoài ra, với các dự án đã được Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo, nhưng đến nay chưa liên hệ để được hướng dẫn điều chỉnh quy hoạch và 1 dự án dừng triển khai, huyện cũng đề nghị thành phố thu hồi và huỷ dự án. Trường hợp Khu đô thị Golf Vinashin (217,65ha) đang thực hiện xử lý sau thanh tra việc chấp hành pháp luật, huyện cũng đề nghị thành phố sớm có định hướng cụ thể.

Cùng với đó, UBND huyện cũng đề nghị HĐND thành phố chỉ đạo cho triển khai xây dựng hệ thống đường giao thông theo quy hoạch đã được UBND thành phố phê duyệt.

Có thể khẳng định, quản lý đất đai luôn là vấn đề nóng, gây nhiều bức xúc và đã được thành phố quan tâm chỉ đạo, huyện Mê Linh cũng có nhiều cố gắng trong thực thi trách nhiệm. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, giám sát của HĐND thành phố Hà Nội và các cơ quan chức năng cho thấy UBND huyện vẫn chưa thể hiện rõ quan điểm xử lý đối với các dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.

Do vậy, với vai trò cơ quan quản lý ở địa phương, thành phố yêu cầu huyện cần rà soát, phân loại rõ các dự án chậm triển khai theo mức độ nào, vướng ở đâu và có phương án xử lý cụ thể. Đặc biệt, với những dự án chây ì không triển khai, không đủ năng lực tài chính, có sai phạm, đề xuất thành phố kiên quyết xử lý, thu hồi.

Huyện cũng cần phối hợp chặt với các sở, ngành để đạt hiệu quả cao trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng nhằm sớm phát hiện vi phạm để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật./.

>>>Hà Nội có thêm tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục