Nhìn lại các vụ án kinh tế trọng điểm – Bài 1: Hậu họa khôn lường
Các bị cáo trong các vụ án này hầu hết là những người giữ vị trí chủ chốt trong các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế quan trọng hàng đầu của đất nước, được Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao quản lý vốn, tài sản của quốc gia.
Tuy nhiên, lợi dụng vị trí được giao, các bị cáo đã cố ý thực hiện hàng loạt hành vi làm trái quy định của Nhà nước, vi phạm pháp luật, gây thiệt hại không chỉ về kinh tế, mà còn tạo ra nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng.
Để giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN giới thiệu loạt bài viết với chủ đề: Nhìn lại các vụ án kinh tế trọng điểm. Bài 1: Hậu họa khôn lường Hành vi cố ý làm trái của các bị cáo trong những vụ án này đã gây thiệt hại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng; khiến cho nhiều dự án thoi thóp, dang dở nằm “đắp chiếu”; nhiều khoản tiền chi sai mục đích làm lãng phí nguồn đầu tư lẽ ra đã có thể giúp giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước… Đó là những hậu quả tính toán được bằng con số.Bên cạnh đó, còn có những hậu quả khác không thể định lượng được, đó là làm mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, tạo tiền lệ xấu cho những hành vi sai phạm tương tự... Những tác động, ảnh hưởng nặng nề này nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ để lại những hậu họa khôn lường.
Gây mất mát kinh tế nặng nề Trong quý I năm 2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm 3 vụ án kinh tế nghiêm trọng, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm chú ý, bởi đây là lần đầu tiên một cán bộ nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị bị đưa ra xét xử.Các bị cáo trong cả 3 vụ án có điểm chung là cố tình thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, làm trái quy định, gây thất thoát số tiền rất lớn cho Nhà nước.
Sai phạm của các bị cáo đã bị Tòa tuyên phạt những mức án nghiêm khắc về các tội danh: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản, Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Đây là nhóm những tội danh xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về tham nhũng.
Trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), sai phạm nổi bật thể hiện trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.Bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) là người đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower) ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định, sau đó chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban Quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC) và đồng phạm sử dụng trên 1.115 tỷ đồng tiền tạm ứng vào mục đích khác (không đưa vào Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2), gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 120 tỷ đồng.
Cũng trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh là người đề ra chủ trương, chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ, rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.
Có thể nói, số tiền thiệt hại gần 120 tỷ đồng và 13 tỷ đồng tiền mà các bị cáo tham ô chưa nói được hết tính chất mức độ nghiêm trọng của vụ án. Ngoài việc gây thiệt hại ban đầu xác định được, việc làm trên của các bị cáo còn làm thời gian thực hiện dự án kéo dài gấp đôi, làm đội vốn đầu tư gần chục ngàn tỷ đồng, số tiền nếu phạt theo tiến độ của hợp đồng đã lên tới hàng trăm triệu USD; khi có vốn tạm ứng thì sử dụng trái nguyên tắc, gây thất thoát lớn vốn Nhà nước…
Hai ngày sau khi bị tuyên án trong phiên tòa nói trên, Trịnh Xuân Thanh lại tiếp tục cùng với 7 bị cáo khác bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm về hành vi tham ô tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land).Trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVC (Tổng công ty sở hữu 28% vốn điều lệ của PVP Land) đã chỉ đạo, móc nối, thông đồng với các đồng phạm để thực hiện ký Hợp đồng chuyển nhượng tại dự án Nam Đàn Plaza với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực tế đã đặt cọc 52 triệu đồng/m2 để lấy số tiền chênh lệch hơn 87 tỷ đồng và cùng nhau chiếm đoạt 49 tỷ đồng.
Hành vi của các bị cáo không chỉ xâm hại đến số tiền đặc biệt lớn (hơn 87 tỷ đồng) của Nhà nước, mà còn làm cho dự án Nam Đàn Plaza bị đình trệ, không triển khai được từ năm 2010 đến nay; làm cho 9.584 m2 đất của dự án tại đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không được đưa vào khai thác sử dụng, gây lãng phí, thiệt hại cho Nhà nước và xã hội.
Tiếp đó, trung tuần tháng 3/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm trong vụ án PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank). Bản án sơ thẩm đã kết luận, từ tháng 9/2008, bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo và quyết định việc PVN góp vốn vào OceanBank để PVN trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng này.Thực hiện chỉ đạo và chủ trương của Đinh La Thăng, các bị cáo trong vụ án đã tích cực thực hiện 3 lần góp vốn của PVN vào OceanBank với tổng số tiền 800 tỷ đồng.
Hậu quả, với năng lực yếu kém của OceanBank và những hành vi vi phạm của Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị OceanBank), OceanBank đã bị thua lỗ nghiêm trọng không còn giá trị vốn của chủ sở hữu; dẫn đến toàn bộ số tiền 800 tỷ đồng vốn góp của PVN (là số vốn của Nhà nước giao cho PVN quản lý) tại OceanBank đã bị mất hoàn toàn khi Ngân hàng Nhà nước phải mua lại bắt buộc OceanBank để khắc phục các hậu quả thiệt hại nặng nề của OceanBank gây ra.
Và những hệ lụy xã hội nghiêm trọng Trong cả 3 vụ án nêu trên, hầu hết các bị cáo đều là những người có chức vụ, quyền hạn, trách nhiệm trong việc quản lý tài sản, điều hành các doanh nghiệp Nhà nước, là những cán bộ đã trải qua nhiều hoạt động công tác, có quá trình rèn luyện, phấn đấu để được giao quản lý các nguồn lực kinh tế của đất nước.Nhưng trên các cương vị và trọng trách được giao, các bị cáo đã đưa ra những quyết định trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế, dẫn đến thất thoát số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại cho Nhà nước, cho lợi ích chung.
Những sai phạm đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, đến việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, gây ra tiền lệ xấu về nền nếp trong quản lý kinh tế nói chung.Những quyết định đầu tư sai trái mà hậu quả của nó là những dự án thua lỗ, nằm “đắp chiếu” như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Ethanol Phú Thọ… đang tạo thêm những gánh nặng không đáng có cho nền kinh tế và xã hội.
Thay vì sử dụng các nguồn lực cho phát triển xã hội, các bị cáo đã bất chấp quy định của pháp luật sử dụng các khoản đầu tư cho các mục đích tư lợi, làm chậm lại tiến trình phát triển của đất nước.
Theo ông Phạm Ngọc Thảo (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội), hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế nêu trên của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, không chỉ gây thiệt hại hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, mà còn xâm hại đến sự đúng đắn, liêm chính và trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước, xâm hại nghiêm trọng đến uy tín, đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức trong bộ máy quản lý Nhà nước nói chung và quản lý doanh nghiệp Nhà nước nói riêng, làm giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân về hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp Nhà nước. Thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội) cũng cho rằng, ngoài những hậu quả về kinh tế còn có những hậu quả khác không thể đong đếm được, đó là lòng tin của nhân dân đối với Đảng - điều này có ý nghĩa cực kỳ to lớn, quyết định sự phát triển của đất nước.Do đó, công cuộc phòng chống tham nhũng cần phải làm quyết liệt, triệt để hơn nữa để “trước hết lấy lại lòng tin của nhân dân”.
Một hệ lụy nữa, theo ông Trương Việt Toàn, chính là đất nước bị mất cán bộ, chất xám bị “chảy máu”. Không những bị cáo từng giữ vai trò lãnh đạo phải chịu trách nhiệm hình sự mà còn kéo theo hàng loạt cán bộ chủ chốt trong các doanh nghiệp, tập đoàn bị xử lý. Đau xót hơn cả, trong số đó có nhiều người có trình độ xuất sắc, được đào tạo bài bản, được rèn luyện qua nhiều vị trí công tác, có những người từng là nhà khoa học nhận được nhiều giải thưởng danh giá… nhưng đã tự đánh mất bản lĩnh trước sự cám dỗ của lợi ích. Hành vi phạm tội của các bị cáo còn là biểu hiện của sự suy thoái về mặt đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức; là một phần của tệ nạn tham nhũng, thể hiện lợi ích cục bộ của cá nhân và các nhóm lợi ích. Việc làm sai trái của các bị cáo không chỉ trái với chỉ đạo của Đảng, trái với nguyên tắc quản lý của Nhà nước, mà quan trọng hơn cả là trái với lòng dân./. Nhìn lại các vụ án kinh tế trọng điểm - Bài 2: Sai phạm có hệ thống>>>Chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm
Tin liên quan
-
Kinh tế và pháp luật
Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm: Đại diện Viện Kiểm sát khẳng định đủ căn cứ để kết tội
20:18' - 03/05/2018
Theo đại diện Viện Kiểm sát, việc xử lý hình sự các bị cáo căn cứ vào hậu quả của hành vi, hậu quả lớn hơn thì hình phạt cao hơn, chứ không chỉ nhìn vào vị trí công tác của các bị cáo.
-
Kinh tế và pháp luật
Xét xử sơ thẩm vụ án tại Ngân hàng TMCP Đại Tín: Đề nghị mức án đối với các bị cáo
16:40' - 03/05/2018
Ngày 3/5, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị mức án đối với các bị cáo.
-
Kinh tế và pháp luật
Chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm
17:48' - 27/04/2018
Ngày 7/5/2018 sẽ chính thức mở phiên tòa xét xử phúc thẩm với bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC).
-
Kinh tế và pháp luật
Xét xử phúc thẩm vụ án Hà Văn Thắm: Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn giải trình nội dung kháng cáo
16:09' - 23/04/2018
Sáng 23/4, phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank) cùng đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ 4.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế và pháp luật
Cảnh báo lừa đảo: Lợi dụng hình thức “xe ôm công nghệ” để chiếm đoạt tài sản
17:43' - 03/04/2025
Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân sử dụng các app xe công nghệ cần kiểm tra kỹ thông tin tài xế, điểm đánh giá của khách hàng đối với tài xế.
-
Kinh tế và pháp luật
Danh sách 14 điểm xử lý vi phạm "phạt nguội" tại Hà Nội
15:04' - 03/04/2025
Thực hiện hướng dẫn của Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, Công an Thành phố Hà Nội đã có thông báo các địa điểm tiếp nhận, giải quyết vi phạm "phạt nguội" trên địa bàn thành phố.
-
Kinh tế và pháp luật
Hàn Quốc chặn lô cocaine kỷ lục 500 tỷ won trên tàu hàng quốc tế
08:17' - 03/04/2025
Lực lượng chức năng Hàn Quốc đã phát hiện 50 hộp, mỗi hộp chứa khoảng 20 kg cocaine, được giấu trên tàu.
-
Kinh tế và pháp luật
Hàn Quốc: 14.000 cảnh sát được huy động trong ngày phán quyết Tổng thống Yoon Suk Yeol
21:43' - 02/04/2025
Với mức cảnh báo an ninh cấp cao nhất, lực lượng cảnh sát sẽ được huy động 100% quân số, theo đó khoảng 14.000 cảnh sát thuộc 210 đơn vị sẽ được triển khai riêng tại thủ đô Seoul.
-
Kinh tế và pháp luật
Cà Mau khởi tố, bắt tạm giam hai cán bộ nhận hối lộ
20:49' - 02/04/2025
Để phục vụ công tác điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Cà Mau kêu gọi những cá nhân có liên quan đến vụ việc đến trình báo, cung cấp thông tin tại Phòng Cảnh sát Kinh tế.
-
Kinh tế và pháp luật
Chính quyền vào cuộc xử lý doanh nghiệp khai thác cát sỏi trên sông Lam
14:51' - 02/04/2025
Tình trạng khai thác cát vượt mức tại xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã làm dấy lên làn sóng phản đối gay gắt từ người dân địa phương.
-
Kinh tế và pháp luật
Các hãng xe vi phạm luật cạnh tranh bị EU phạt nặng
13:00' - 02/04/2025
Các hãng xe châu Âu bị nghi ngờ đã bí mật bắt tay nhau để tránh cạnh tranh về việc ai "thân thiện môi trường" hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực tái chế.
-
Kinh tế và pháp luật
Để nghỉ hưu sớm cần có những điều kiện gì?
12:36' - 02/04/2025
Người lao động có thể nghỉ hưu thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường thuộc một trong các trường hợp sau.
-
Kinh tế và pháp luật
Tòa án Mỹ thu hẹp phán quyết hạn chế chính phủ sa thải nhân viên thử việc
11:29' - 02/04/2025
Ngày 1/4, một thẩm phán liên bang Mỹ ra phán quyết yêu cầu Chính quyền Tổng thống Donald Trump không thể sa thải nhanh hàng nghìn nhân viên liên bang thử việc ở 19 tiểu bang và Washington D.C.