Nhộn nhịp làng nghề mùa nước nổi tại Đồng Tháp

07:08' - 11/08/2017
BNEWS Năm nay, lũ về sớm, làng nghề đóng ghe xuồng Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp trở nên nhộn nhịp hơn hẳn.
Cơ sở sản xuất ghe xuồng của gia đình ông Hồ Văn Kiệt ấp Long Hòa, xã Long Hậu, huyện Lai Vung phải đẩy nhanh tiến độ sản xuất để kịp giao hàng cho khách về miệt thứ vùng Đồng Tháp Mười và Từ Giác Long Xuyên. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Năm nay, mùa nước nổi về sớm và mực cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,1 - 0,3 m, cùng với sự sôi động của các nghề khai thác đặc trưng khi "con nước nhảy bờ", các làng nghề sản xuất ghe, xuồng, câu lưới,... ở Đồng Tháp cũng trở nên nhộn nhịp khi vào mùa lũ.

Vào những ngày đầu tháng 8, đến làng nghề đóng xuồng ở rạch Bà Đài thuộc xã Long Hậu, huyện Lai Vung, nơi có bề dày truyền thống sản xuất ghe, xuồng tồn tại gần một thế kỷ, phóng viên TTXVN đã thấy dấu hiệu hồi sinh của một làng nghề sau bao năm nước kém khi không khí làm việc nơi đây cũng bắt đầu tất bật.

Ông Trần Văn Hùng – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Long Hậu cho biết, làng nghề đóng xuồng, ghe rạch Bà Đài đạt danh hiệu làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2005 và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014. Trước đây, làng nghề này có gần 140 cơ sở, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động tại địa phương.

Tuy nhiên do nhiều yếu tố, trong đó, lũ không về mực nước thấp nên sức tiêu thụ giảm đáng kể. Hiện trên địa bàn xã chỉ còn hơn 40 cơ sở đóng, xuồng, ghe còn duy trì hoạt động thường xuyên.

Cũng theo Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Long Hậu, riêng năm nay, theo dự báo, nước về sớm và lớn nên nhu cầu người dân đến mua xuồng tăng, theo đó sản lượng xuồng đóng cũng nhiều hơn mọi năm từ 20 - 30%, chủ yếu là xuồng loại nhỏ. Đặc biệt, tín hiệu vui là sau bao năm trầm lắng, làng nghề đã có thêm 5 cơ sở mới.

Từ tháng 5 âm lịch đến nay, cơ sở đã bán được 300 chiếc xuồng, thu nhập cũng tăng gấp đôi so với những năm trước. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN

Hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Đỗ Văn Banh, một chủ cơ sở sản xuất ghe xuồng ở xã Long Hậu cho biết, làng nghề sản xuất quanh năm, tuy nhiên, cao điểm là bắt đầu từ đầu tháng 4, 5 âm lịch trở đi và kéo dài đến giữa tháng 9, đầu tháng 10. Để chuẩn bị, ngay từ tháng 2, tháng 3 âm lịch, các cơ sở đã mua cây, mua gỗ, vật liệu sẵn để sản xuất.

Ông Banh cho biết thêm, xuồng ở rạch Bà Đài được sản xuất theo thị hiếu sử dụng của người trong và ngoài tỉnh với nhiều kiểu dáng như: xuồng cui, xuồng mũi bằng, xuồng ba lá, xuồng tam bản...

Những năm qua, do không có lũ, người dân chỉ sản xuất cầm chừng từ 700 - 1.000 chiếc. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực như Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau... Năm nay, cơ sở sản xuất của ông ước đoán sẽ cung ứng thị trường từ 1.200 - 1.300 chiếc.

Mặc dù, nhu cầu tăng nhưng nhìn chung, giá xuồng không có sự biến động nhiều. Giá chỉ dao động từ 400.000 - 1.000.000 đồng/chiếc, tuỳ loại. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, công thợ..., chủ cơ sở có lợi nhuận từ 80.000 - 120.000 đồng/chiếc.

Cùng với các làng nghề đóng xuồng, ghe ở huyện Lai Vung, các cơ sở sản xuất lưới đánh bắt cá thuộc xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò cũng tất bật sản xuất để đón lũ.

 Làng nghề đan lưới tại xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Nối nghiệp truyền thống gia đình, anh Đặng Ngọc Chiến, chủ cơ sở lưới đánh cá Khoa Nhỏ ở xã Long Hưng B cho biết, với hơn 70 nhân công, mỗi ngày cơ sở Khoa Nhỏ sản xuất trung bình từ 5 - 10 nghìn chiếc lưới các loại. Vào mùa nước nổi các đơn đặt hàng cứ theo đó mà tăng, ước tính năm nay tăng 20 - 30% so với cùng kỳ năm 2016.

Anh Chiến thông tin thêm, về giá cả các ngư cụ vẫn ổn định, mỗi chiếc lưới từ 50.000 - 180.000 đồng/chiếc, tuỳ theo kích thước và loại hàng. Ngoài ra, xác định gắn bó lâu dài với nghề truyền thống, bà con nơi đây đã đầu tư máy móc để tăng sản lượng, chất lượng và giảm nhân công lao động.

Ông Lê Văn Đém, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Long Hưng B cho biết, làng nghề hiện tại có 147 hộ sản xuất quanh năm, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động tại địa phương, nhất là nguồn lao động nhàn rỗi trong mùa nước nổi. Cùng với xã Long Hậu (huyện Lai Vung), đây được xem là làng nghề có truyền thống lâu đời và là đầu mối cung cấp lưới, dụng cụ đánh bắt cá có quy mô lớn trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các nước như Lào, Campuchia,...

Thời gian tới, để bảo tồn và phát huy làng nghề, địa phương cũng sẽ có kế hoạch để hỗ trợ người dân về nguồn vốn, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng cơ giới hoá trong sản xuất. Đồng thời, cũng khuyến cáo các cơ sở không nên sản xuất các ngư cụ nằm ngoài danh mục cho phép, tránh tình trạng khai thác nguồn lợi thuỷ sản một cách tận diệt.

Sau bao năm "ngóng lũ", sau bao năm đìu hiu ở các làng nghề gắn bó với mùa nước nổi, một mùa vụ mới lại bắt đầu với những tín hiệu khả quan khi con nước năm nay đã tràn bờ!

>>> Người "giữ lửa" nghề làm bánh hủ tiếu Mỹ Tho

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục