Nguy cơ thất truyền làng nghề ươm tơ Cổ Chất

21:02' - 28/05/2017
BNEWS Làng nghề ươm tơ Cổ Chất (Nam Định) đang đứng trước nguy cơ thất truyền do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Cụ Chu Thị Thư vẫn ngày ngày quay tơ với mong ước một ngày làng nghề được khôi phục như thời kỳ phát triển thịnh hành. Ảnh: Thanh Thương/ TTXVN

Nằm dọc theo bờ sông Ninh Cơ, xã Phương Định, huyện Trực Ninh (tỉnh Nam Định) được biết đến với làng nghề ươm tơ Cổ Chất nổi tiếng từ lâu đời, là nơi cung cấp tơ chất lượng cho các làng dệt lụa trong nước.

Tuy nhiên, hiện nay, làng nghề này đang đứng trước nguy cơ thất truyền do nguồn cung cấp kén chính cho làng ươm tơ Cổ Chất không còn, nhiều người từng làm nghề và lớp trẻ trong làng cũng không còn mặn mà với nghề.

Trước đây, về Cổ Chất vào vụ ươm tơ, những cuộn tơ vàng, tơ trắng óng ánh được phơi khắp đường thôn, ngõ xóm. Nhà nào cũng có ít nhất một guồng tơ, có nhà nhiều tới ba bốn guồng. Trong thôn nhộn nhịp tiếng máy xe tơ, không khí lao động tấp nập, rộn ràng.

Theo những người cao niên trong làng, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở đây đã được truyền từ đời này sang đời khác. Từ lâu, người dân nơi đây đã biết dùng tơ tằm đan lưới đánh bắt cá, sau này phát triển thành nghề ươm tơ, dệt vải.

Làng nghề ươm tơ Cổ Chất được người dân khắp vùng biết đến bởi sợi tơ thanh mảnh, màu sắc tươi sáng, bền đẹp…

Ông Phạm Văn Đồng, người đang phát triển nghề ươm tơ từ bao đời của gia đình chia sẻ, kỹ thuật ươm tơ chính là điều tạo nên sự khác biệt giữa tơ của làng Cổ Chất với sản phẩm tơ ở những nơi khác.

Khi có kén tằm, người dân phân loại rất nhanh, đảm bảo loại bỏ sạch chất bẩn trên kén, chọn ra những kén đủ tiêu chuẩn trước khi ngài cắn kén chui ra làm hỏng tơ, không kéo được sợi.

Người dân làng Cổ Chất có thể ươm được những sợi tơ các loại, có những sợi nhỏ như sợi chỉ mảnh nhưng vẫn đảm bảo đồng nhất về kích cỡ, bền dai, đẹp màu…

Vụ ươm tơ bắt đầu từ tháng ba đến tháng chín âm lịch hàng năm. Người dân lấy kén ở các làng lân cận về ươm. Kén được cho vào nước nóng để dễ dàng tách ra và kéo thành sợi cuộn vào các guồng.

Trước kia, người trong làng hoàn toàn ươm tơ bằng tay, phải mất gần 2 tiếng mới được một guồng tơ nhưng nay có máy móc hỗ trợ, một guồng tơ chỉ mất 1 tiếng ươm. Sau khi ươm được một guồng, người dân đem phơi lên các con sào.

Tơ sau khi đã phơi khô được thương lái đến thu mua tận nhà, sau đó chuyển lên làng dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông) và xuất đi các nước Thái Lan, Capuchia… Hiện tại, 1 kg tơ tằm người dân có thể bán với giá từ 600.000 - 800.000 đồng.

Ươm tơ đã từng là nghề chính mang lại thu nhập cao cho người dân trong xã, đặc biệt là người dân thôn Cổ Chất. Tuy nhiên, hiện tại, làng nghề này đang đứng trước nguy cơ bị mai một.

Ông Nguyễn Đình Kha, Trưởng thôn Cổ Chất cho biết, thôn có hơn 600 hộ dân. Trước đây, cả thôn đều làm nghề ươm tơ, nhưng từ những năm 2000 trở lại đây, nhiều người dần bỏ nghề đi làm công việc khác.

Hiện tại, trong thôn chỉ còn hơn 20 hộ vẫn cố gắng duy trì nghề này nhưng lao động chủ yếu là người già. Dù rất muốn bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của quê hương nhưng để có kén ươm tơ, các hộ phải mua từ các tỉnh như Thái Bình, Lâm Đồng…

Không chỉ chi phí tăng lên mà trong quá trình vận chuyển kén bị dập nát cũng ảnh hưởng lớn đến chất lượng tơ, trong khi sản phẩm tơ hiện tại khó tiêu thụ, khiến người dân càng khó giữ nghề.

Hơn nữa, để ươm được 1 kg tơ thì cần khoảng 10 kg kén. Hiện giá kén trên thị trường ở mức 80.000 đồng/kg, lúc cao điểm tơ chỉ được 800.000 đồng/kg. Nếu trừ chi phí mua nguyên liệu, thuê người làm, ươm tơ cho hiệu quả kinh tế rất thấp, thậm chí chỉ hòa vốn.

Hợp Hòa là thôn chuyên làm nghề trồng dâu, nuôi tằm của xã Phương Định cung cấp kén cho làng ươm tơ Cổ Chất. Những năm trước đây, cả vùng đất bãi dài chạy dọc theo triền sông Ninh Cơ thuộc địa phận thôn đều trồng dâu, ước tính có khoảng 15 ha nhưng hiện tại diện tích này chỉ còn 7 ha.

Do nghề ươm tơ bị mai một, số hộ làm nghề ít nên người dân đã chuyển từ trồng dâu, nuôi tằm sang trồng màu, nuôi trồng thủy sản.

Theo người dân thôn Hợp Hòa, con tằm rất khó tính, chỉ cần ngửi mùi thuốc trừ sâu từ cánh đồng bay vào nhà là toàn bộ tằm sẽ chết. Mặt khác, nuôi tằm lấy kén tốn rất nhiều công lao động. Cứ 2 tiếng 1 lần người dân phải cho tằm ăn. Lá dâu phải khô, tơi, không già quá.

Để tằm vào kén, người dân phải chăm sóc và cho ăn liên tục khoảng 4 đến 5 ngày. Giá kén lúc cao điểm cũng chỉ được khoảng 70.000 đồng/kg.

Thời gian lao động nhiều, trong khi giá thành không cao. Vì vậy, từ nhiều năm nay, có tới một nửa số hộ trong làng đã chuyển đổi cây trồng, con nuôi, số còn lại chuyển sang nuôi tằm ré - loại tằm chỉ nuôi lấy nhộng làm thực phẩm.

Bà Đặng Thị Yến, ở thôn Hợp Hòa, cho biết: Tằm ré dễ nuôi và ăn ít dâu hơn tằm nhả tơ. Từ khi trứng nở đến khi đóng kén xuất bán chỉ mất từ 20 - 25 ngày, năng suất có thể đạt 4 kg tằm/nong, giá thành dao động từ 85.000 - 90.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá tằm lấy tơ. Vì thế, từ năm ngoái đến nay, những hộ còn trồng dâu đều chuyển sang nuôi loại tằm này.

Như vậy, nguồn cung cấp kén chính cho làng ươm tơ Cổ Chất không còn, những người từng làm nghề và lớp trẻ trong làng cũng không còn mặn mà với nghề, đa số họ đi làm tại các công ty tại địa phương với mức lương ổn định hơn.

Mặc dù trong thời gian qua, có nhiều đoàn nghiên cứu về khảo sát tình hình làng nghề với mong muốn gìn giữ, phát triển nghề ươm tơ Cổ Chất.

Tuy nhiên, hiện nay chỉ những người già là còn cần mẫn với những guồng kén và việc này có thể sẽ chẳng còn ai làm nếu như lớp người này không còn, làng nghề ươm tơ nổi tiếng, có tuổi đời hàng trăm năm của Nam Định cũng vì thế đang đứng trước nguy cơ thất truyền.

Ông Vũ Phi Bằng, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Định cho biết, hiện tại nghề ươm tơ Cổ Chất vẫn được các hộ dân gìn giữ.

Nhưng nếu muốn bảo tồn, khai thác tiềm năng, thế mạnh của làng nghề ươm tơ truyền thống gắn với phát triển du lịch, quảng bá thương hiệu, hình thành điểm tham quan cho du khách thì cần có chiến lược lâu dài, nhất là cần sự quan tâm, giúp đỡ của cả người dân và các cơ quan chức năng.

Để giải quyết bài toán công ăn việc làm và thu nhập cho người dân trong khi chưa tìm được giải pháp phù hợp nhằm tiếp tục phát triển nghề ươm tơ, xã Phương Định đã quy hoạch vùng dệt bông sợi với diện tích 25 ha tại hai thôn Cự Trữ và Cổ Chất.

Đến nay, đã có 4 doanh nghiệp dệt hoạt động trên địa bàn xã, sản xuất các sản phẩm khăn, màn bằng sợi bông thu hút hơn 2.000 lao động địa phương với thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục