Người "giữ lửa" nghề làm bánh hủ tiếu Mỹ Tho

21:26' - 31/01/2017
BNEWS Làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho quy tụ hàng chục cơ sở chuyên làm bánh hủ tiếu với nhiều thợ thủ công lành nghề, tâm huyết phát huy nghề truyền thống độc đáo mà cha anh truyền lại từ bao đời nay.

Làm bánh hủ tiếu ở xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho là nghề truyền thống tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang. Trong những người “giữ lửa” cho nghề truyền thống phải kể đến ông Trương Văn Thuận, Tổ trưởng Tổ Hợp tác hủ tiếu Mỹ Tho, cư ngụ tại ấp Hội Gia, xã Mỹ Phong.

Món hủ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng khắp các tỉnh, thành phố khu vực sông Tiền. Ảnh: Thethaovanhoa

Ông Thuận có trên ba mươi năm gắn bó với nghề làm bánh hủ tiếu Mỹ Tho. Hiện cơ sở của ông thu hút gần chục lao động với mức thu nhập bình quân từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng, tùy theo tính chất và công đoạn làm bánh. Hàng ngày, cơ sở sản xuất bánh hủ tiếu của ông Trương Văn Thuận luôn hoạt động tấp nập, nhộn nhịp. Người tráng bánh, người phơi, đóng gói, đưa đi tiêu thụ bánh hủ tiếu thành phẩm, với không khí vui tươi, hồ hởi.

Bánh hủ tiếu là một trong những thành phần quan trọng làm ra món hủ tiếu Mỹ Tho nổi tiếng khắp các tỉnh, thành phố khu vực sông Tiền. Các công đoạn làm bánh hủ tiếu Mỹ Tho đều được thực hiện thủ công là chính, do vậy người thợ làm bánh rất cực nhọc, nhất là khâu xay bột, giằng ép và cắt sợi bánh…

Ông Thuận cho hay, để sản phẩm làm ra đạt chất lượng, người thợ thủ công phải thực hiện nhiều khâu, như lựa chọn loại gạo tốt, ưng ý; ngâm, rửa chua, xay, rồi phải ngâm tiếp hỗn hợp bột gạo và nước trong 48 giờ đồng hồ; ép, tráng, phơi, cắt sợi, đóng gói đưa đi tiêu thụ…

Là người tâm huyết với nghề làm bánh hủ tiếu truyền thống, ông Trương Văn Thuận không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu, áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và góp phần quảng bá thương hiệu hủ tiếu Mỹ Tho trên thị trường.

Theo đó, ông đã đầu tư trên 600 triệu đồng để kiện toàn máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, giúp tăng năng suất, sản lượng bánh đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trong quá trình sản xuất, bản thân ông Trương Văn Thuận đã nghiên cứu đầu tư thay cối đá bằng máy nghiền, trang bị hệ thống hấp bánh bằng hơi nước cho phép tiết kiệm chất đốt, giảm chi phí và giá thành, rút ngắn thời gian sản xuất nhưng chất lượng vẫn đảm bảo, qua đó hạn chế và xử lý được khói bụi, giảm tiếng ồn theo tiêu chuẩn của đề án bảo vệ môi trường.

Công đoạn phơi bánh hủ tiếu ở làng nghề Mỹ Phong. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Ngoài ra, ông Thuận còn cải tiến máy xay bột, tạo đường dẫn bột đến máy hấp; máy cắt liên hoàn vừa nhanh, vừa đảm bảo khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm được lượng hao hụt nguyên vật liệu. Theo đó, hiệu quả kinh tế của cơ sở sản xuất bánh hủ tiếu nâng lên, năm sau cao hơn năm trước.

Năm 2010, cơ sở của ông Trương Văn Thuận đạt sản lượng bánh hủ tiếu 150 tấn, doanh thu 1,45 tỉ đồng, lợi nhuận ròng 150 triệu đồng, đến nay sản lượng bánh hủ tiếu thành phẩm hàng năm cung ứng thị trường đã nâng lên 234 tấn, doanh thu trên 3 tỉ đồng, lợi nhuận 234 triệu đồng.

Nhờ nghề làm bánh hủ tiếu truyền thống, ông Trương Văn Thuận đã xây dựng được cơ ngơi vững vàng ở vùng ven thành phố Mỹ Tho.

Ông Trương Văn Thuận luôn tích cực hưởng ứng, tham gia các việc công ích tại địa phương. Trung bình hàng năm, gia đình ông góp từ 8 - 10 triệu đồng cùng chính quyền địa phương chăm lo chính sách xóa đói giảm nghèo, xây dựng cầu đường nông thôn…, góp phần xây dựng xã Mỹ Phong đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông đã giúp vốn cho hai hộ nghèo trồng hoa tươi và mua bán nhỏ, hướng dẫn kỹ thuật làm bánh hủ tiếu cho 4 hộ nghèo trong xã nhằm mở rộng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương…

Hiện nay, Tổ hợp tác hủ tiếu Mỹ Tho do ông làm tổ trưởng có 10 cơ sở sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho trên 60 lao động. Trung bình mỗi ngày, Tổ cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh từ 6 – 7 tấn bánh hủ tiếu thành phẩm. Năm 2008, bánh hủ tiếu Mỹ Tho cũng đã được cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa – một trong những bước đi quan trọng để đặc sản Tiền Giang hội nhập trong giai đoạn mới.

Với những thành tích trên, ông Trương Văn Thuận đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng III./.

>>> Mặn mà đặc sản Đất Mũi Cà Mau

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục