Những góc khuất trong bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được báo chí phản ánh kịp thời

20:21' - 16/05/2018
BNEWS Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2018.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ về những điểm mới trong các Đề án cải cách chính sách tiền lương, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Chiều 16/5, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho phóng viên, biên tập viên chuyên trách thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2018.

Dự hội nghị có lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, UBND tỉnh Bình Định và gần 100 nhà báo đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước.

Đánh giá của Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đào Việt Ánh cho thấy, năm 2017, công tác tuyên truyền của ngành đã huy động được sức mạnh của toàn xã hội, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là các cơ quan báo chí.

Các cơ quan thông tấn báo chí đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối tuyên truyền đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào cuộc sống, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào hệ thống chính sách an sinh xã hội.

Ngay từ đầu năm 2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động phối hợp tuyên truyền thường xuyên với 70 đầu mối của 60 cơ quan truyền thông, báo chí ở Trung ương, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình phối hợp dài hạn giai đoạn 2015 – 2020 giữa Bảo hiểm xã hội Việt Nam với 4 cơ quan truyền thông quốc gia, gồm Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Nhân dân; phối hợp thường xuyên giai đoạn 2015 – 2017 với 21 cơ quan báo chí.

Đã có trên 7.000 chuyên mục, chuyên trang, tin, bài, phóng sự được các cơ quan báo chí Trung ương thực hiện.

Các tin, bài, chương trình, phóng sự… đều được đăng tải kịp thời, chất lượng ngày càng đảm bảo, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh nhìn nhận, phát triển bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Chính vì vậy, báo chí chính là nhân tố, phương tiện có sức mạnh đặc biệt trong việc định hướng nhận thức, hình thành dư luận xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững, giúp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế xứng đáng là hai thành tố trụ cột của chính sách an sinh xã hội của đất nước.

Tại Bình Định hiện đã có gần 104.000 người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, gần 90.000 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp và gần 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh đạt 87,4% dân số, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Báo chí tham mưu cho các nhà hoạch định chính sách, đóng góp quan trọng về vật chất, tinh thần cho hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vận hành một cách minh bạch, rõ ràng. Với độ bao phủ rộng, cập nhật liên tục, không giới hạn, báo chí là phương tiện chuyển tải thông tin bảo hiểm xã hội nhanh chóng và hữu hiệu nhất.

Trên thực tế, người dân biết thông tin về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế nhiều nhất qua báo chí, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi nhận định.

Theo ông Hồ Quang Lợi, những góc khuất, vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội như liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng được báo chí kịp thời phản ánh.

Các bài viết, phóng sự, phóng sự điều tra đã góp phần đưa nhiều vụ tiêu cực, các hành vi trục lợi Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ra ánh sáng; cảnh báo về các cách thức trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả công tác phục vụ nhân dân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ, xu hướng truyền thông đa phương tiện và hội tụ đã và đang tác động trực tiếp tới kỹ năng tác nghiệp của nhà báo, ảnh hưởng trực tiếp đến “môi trường sinh thái” của các phương tiện truyền thông truyền thống, đặt ra những thách thức lớn đối với hoạt động truyền thông về bảo hiểm xã hội.

Một số tin, bài phản ánh trên báo chí thời gian qua chưa thực sự khách quan, gây hiệu ứng xã hội không tốt khiến một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của bảo hiểm xã hội, dẫn đến tình trạng ý thức tham gia bảo hiểm chưa đầy đủ và thiếu tính tự nguyện cao.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng tuyên truyền về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của báo chí thời gian qua là rộng và có sâu, nhưng chưa đi tận ngõ, gõ tận nhà.

Nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết được ý nghĩa của trụ cột an sinh xã hội này, vẫn nhận thức thay vì bỏ tiền đóng bảo hiểm xã hội thì sử dụng số tiền đó để gửi tiết kiệm.

Tại Hội nghị, các báo cáo viên chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến hai đề án vừa được thảo luận, cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương 7 vừa qua là Đề án cải cách chính sách tiền lương, Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; việc thực hiện thu bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; những quy định mới về chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng như những định hướng phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân./.

Xem thêm:

>>>Hội nghị Trung ương 7 khóa XII: Chính sách BHXH góp phần đảm bảo an sinh xã hội​

>>>Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII: Thảo luận Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục