Nhận cầm cố sổ bảo hiểm xã hội: Không có cơ sở để bảo đảm quyền lợi

21:14' - 07/02/2018
BNEWS "Giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động: Quyền lợi và những vấn đề đặt ra”, đây là chủ đề buổi tọa đàm trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 7/2.

Vấn đề được các đại biểu đề cập tại tọa đàm là tình trạng cầm cố sổ bảo hiểm xã hội xảy ra tại một số địa phương trong thời gian gần đây.

Nhận cầm cố sổ bảo hiểm xã hội: Không có cơ sở để bảo đảm quyền lợi. (Ảnh: Bảo hiểm xã hội Việt Nam)

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động có quyền được giữ sổ bảo hiểm xã hội để quản lý, theo dõi quá trình đóng bảo hiểm xã hội của chủ doanh nghiệp. Lợi dụng điều này, tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng người lao động đem sổ bảo hiểm xã hội đi thế chấp ngân hàng thương mại để thực hiện cho các hợp đồng tín dụng.

Thực tế này không chỉ gây lộn xộn trong việc cấp, quản lý sổ bảo hiểm xã hội, mà còn chứa đựng nguy cơ rủi ro cao đối với các ngân hàng cũng như người lao động nếu xảy ra tình trạng người vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho biết, trên sổ bảo hiểm xã hội thể hiện thông tin về nhân thân và quá trình đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Do vậy, khi người lao động tự giữ sổ bảo hiểm xã hội sẽ giám sát được việc người sử dụng lao động có đóng nộp bảo hiểm xã hội cho mình hay không, tránh trường hợp người sử dụng lao động nợ tiền đóng, không đóng hoặc đóng không đủ tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Người lao động tự bảo quản sổ bảo hiểm xã hội, nếu phát hiện sổ ghi chưa đúng hoặc ghi thiếu các thông tin về nhân thân, diễn biến quá trình đóng bảo hiểm xã hội (gồm: chức danh nghề, công việc, cấp bậc, chức vụ, mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội) sẽ kịp thời phản ánh lại với người sử dụng lao động, Công đoàn cơ cở, cơ quan bảo hiểm xã hội để điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Bên cạnh đó, việc trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động quản lý sẽ giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong khâu quản lý sổ bảo hiểm xã hội, tránh được trường hợp sổ bảo hiểm xã hội bị ẩm mốc, tờ rời sổ bảo hiểm xã hội bị nhầm lẫn của người này sang người khác hoặc bị thất lạc.

"Trước khi bàn giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động quản lý, cơ quan bảo hiểm xã hội các cấp cùng với chủ sử dụng lao động rà soát lại số lượng lao động, số lượng sổ bảo hiểm xã hội đã được cấp và tình trạng của sổ. Nếu sổ bảo hiểm xã hội bị rách hỏng, bị mất hoặc mất tờ rời thì sẽ tiến hành cấp lại, đảm bảo khi sổ đến tay người lao động đầy đủ thông tin về nhân thân và quá trình đóng bảo hiểm xã hội", ông Trần Đình Liệu cho hay.

Tuy nhiên, gần đây, tại một số địa phương xảy ra tình trạng người lao động đem sổ bảo hiểm xã hội thế chấp ngân hàng để thực hiện các khoản vay tín dụng, thậm chí, cơ quan Bảo hiểm xã hội tại Phú Yên còn nhận được công văn từ ngân hàng đề nghị phối hợp trong việc cấp và chi trả chế độ cho người lao động đã đem sổ bảo hiểm xã hội đi thế chấp.

Nói về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng, có vấn đề pháp lý không rõ ràng, hiện không có quy định nào cấm không được mang cầm cố sổ bảo hiểm xã hội nên người lao động vin vào cớ đó để mang đi giao dịch.

“Cần phải cấm không cho giao dịch, cần phải có văn bản chỉ đạo từ 2 phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam và ngân hàng”, ông Trương Thanh Đức nói. Theo ông, ngân hàng không nên nhận cầm cố sổ bảo hiểm xã hội và pháp luật cũng không quy định cơ quan nắm quyền chi trả xác nhận cho người lao động mang đi cầm cố, vì vậy, việc này không được phép làm. Cầm cố thế chấp sổ bảo hiểm xã hội không có ý nghĩa pháp lý.

Còn theo ông Trần Đình Liệu, hiện nay, Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn không quy định việc cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội. Việc cầm cố sổ bảo hiểm xã hội là quan hệ dân sự giữa người lao động và cá nhân, tổ chức nhận cầm cố.

Mặt khác, sổ bảo hiểm xã hội để ghi, xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và chỉ có giá trị khi người lao động xuất trình sổ, đủ điều kiện hưởng các chế độ và trong dữ liệu có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động thì cơ quan Bảo hiểm xã hội mới giải quyết, chi trả chế độ.

"Ngân hàng trước khi cầm cố cần tìm hiểu pháp luật có liên quan, xem sổ đó có giá trị với ngân hàng không. Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ không giải quyết chế độ chính sách đó cho ngân hàng, thiệt thòi cho hệ thống ngân hàng trước. Việc cầm cố là trái pháp luật", ông Trần Đình Liệu nêu quan điểm. Theo ông, ngành Bảo hiểm xã hội đã khuyến cáo các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác không nhận cầm cố sổ bảo hiểm xã hội.

Cho rằng cầm cố sổ bảo hiểm xã hội không trái pháp luật nhưng không nên làm, luật sư Trương Thanh Đức phân tích: Sổ bảo hiểm xã hội không phải là giấy tờ mua bán, không thể định giá được. Trong trường hợp cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, không có khái niệm chi trả, đền bù cho người khác vì nó là quyền tài sản nhưng gắn chặt với nhân thân người lao động, người nào có quyền lợi thì người đó được lĩnh, không có cơ sở để bảo đảm quyền lợi, an toàn cho ngân hàng hay bên nhận cầm cố.

“Theo quy định của Bộ luật Dân sự, người cầm sổ mà chết thì sổ hết giá trị, không ai lĩnh được tiền”, luật sư Trương Thanh Đức nói. Ông Đức cho rằng việc cầm cố sổ bảo hiểm xã hội không đáp ứng được mục tiêu của chính sách an sinh xã hội, bởi sổ bảo hiểm xã hội là để bảo đảm cuộc sống của người lao động khi thất nghiệp, ốm đau tật bệnh…

Mặc dù pháp luật không cấm nhưng Ngân hàng Nhà nước phải có chỉ đạo không được phép nhận cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, luật sư này khuyến nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục