Những sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

18:09' - 09/06/2017
BNEWS Ngày 1-6-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

1. Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu

Ngày 1-6-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quyết định cuối cùng liên quan đến Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Ảnh: AFP

Ông coi đây là “một hiệp định tồi” vì cho rằng hiệp định này bất công đối với Mỹ, làm giảm việc làm của người lao động Mỹ và gây tổn thương cho những người nộp thuế tại Mỹ.

Với bước đi này, tổng thống Trump đã hiện thực hóa cam kết tranh cử song điều này được cho là cũng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất.

Và ngay lập tức, dư luận nội bộ Mỹ và các nhà lãnh đạo trên thế giới đã lên tiếng phản đối quyết định trên của tổng thống Trump vì cho rằng quyết định này sẽ gây ra những "hậu quả tai hại" cho Trái Đất.

Trước đó, Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu đã được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký tham gia năm 2015, bao gồm 195 nước thành viên. Khi đó, văn bản này đã đánh dấu việc lần đầu tiên trong lịch sử nhận được sự tham gia mạnh mẽ và đông đảo, minh chứng cho sự ủng hộ đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với các vấn đề khí hậu.

Theo qui định, một nước thành viên có thể chính thức rút khỏi hiệp định sớm nhất là tháng 11-2020.

2. Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử xã, phường

Ngày 5-6-2017, Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) đã thông báo kết quả ban đầu tại 1.646 xã, phường sau cuộc bầu cử diễn ra ngày 4-6.

Theo đó, đảng cầm quyền CPP đã giành chiến thắng tại 1.163 xã, phường, trong khi đảng đối lập Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đứng ở vị trí thứ hai với chiến thắng ở 482 xã, phường. Đảng Khmer hòa hợp dân tộc chỉ giành được thắng lợi ở 1 xã.

Chiến thắng của CPP là một minh chứng cho thấy người dân Campuchia tiếp tục tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng cầm quyền cũng như Thủ tướng Hun Sen.

Nó phản ánh sự lựa chọn rõ rệt của cử tri “đất nước chùa tháp” mong muốn duy trì sự ổn định và thịnh vượng có được từ sau khi CPP lãnh đạo nhân dân lật đổ chế độ diệt chủng năm 1979.

Với thắng lợi này, CPP có bước khởi đầu suôn sẻ, tự tin bước vào cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018 tới đây, tiếp tục giành thắng lợi, theo đuổi sứ mệnh vì người dân Campuchia.

3. Montenegro chính thức gia nhập NATO

Ngày 5-6-2017, Montenegro đã chính thức gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trở thành thành viên thứ 29 của tổ chức này.

Với Montenegro, đây là sự kiện lịch sử, là bước đi nhằm đảm bảo an ninh, ổn định và có thể là cả sự thịnh vượng.

Còn với NATO, quốc gia nhỏ bé vùng Balkan này có ý nghĩa chiến lược. Gia nhập NATO, việc kết nạp thêm Montenegro sẽ giúp NATO hoàn tất sự hiện diện của mình ở vùng biển Adriatic sau khi Hy Lạp, Albania và Croatia đều đã là các nước thành viên của khối.

Tuy nhiên, động thái này cũng sẽ khiến Mongtenegro phải đối mặt với sự trả đũa mạnh mẽ từ Nga và khiến nội bộ quốc gia Balkan này thêm chia rẽ. Với Nga, việc Montenegro gia nhập NATO được xem như “hành động đe dọa an ninh của Nga”.

Trước hành động của Montenegro, Nga đã cảnh báo sẽ đáp trả động thái mở rộng biên giới tới sát Nga này của NATO.

Trong khi đó, với người người dân Montenegro, việc tham gia NATO cũng được cho là có thể gây chia rẽ nội bộ nước này, bởi trước đây nước này vốn vẫn được xem là thành trì của Nga.

Một khảo sát dư luận cho thấy, tỷ lệ ủng hộ và phản đối Montenegro gia nhập NATO vẫn ở mức gần như tương đương, 39,5% và 39,7%.

4. Các nước vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar

Ngày 5-6, một loạt các quốc gia Arab và vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Yemen, chính phủ được quốc tế công nhận ở miền Đông Libya đã ra tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực.

Kèm theo tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao, các quốc gia Arab và vùng Vịnh cũng đã yêu cầu công dân Qatar trở về nước trong vòng 2 tuần, đồng thời cấm tất cả các chuyến bay đến và đi từ nước này.

Giao thông đường biển và đường hàng không giữa Qatar và các nước vùng Vịnh cũng bị tạm dừng.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Qatar đã cho rằng quyết định nói trên của các quốc gia Arab và vùng Vịnh là "vô lý" và dựa trên những cáo buộc "vô căn cứ".

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani vẫn khẳng định nước này sẵn sàng đối thoại để giải quyết khủng hoảng.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu cuộc khủng hoảng trên không được giải quyết sớm thì những căng thẳng ngoại giao giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh có thể khiến cả hai bên mất hàng tỷ USD do hoạt động thương mại và đầu tư bị kìm hãm.

5. IS tấn công tòa nhà Quốc hội Iran

Ngày 7-6-2017, các hãng truyền thông Iran cho biết 4 tay súng đã xông vào tòa nhà Quốc hội Iran và nổ súng.

Chưa đầy nửa giờ sau, 2 đối tượng có vũ trang khác đã đột nhập và phóng hỏa vào khu lăng mộ của cố lãnh tụ cách mạng Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini ở phía Nam thủ đô Tehran, cách tòa nhà Quốc hội Iran khoảng 20km và bắn bị thương một số người.

Theo báo cáo mới nhất, 17 người đã thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong hai vụ tấn công khủng bố trên. Sáu thủ phạm trong hai vụ tấn công trên cũng đã chết tại hiện trường.

Ngay sau đó, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng thừa nhận 6 phần tử thuộc tổ chức này đã tiến hành hai vụ tấn công trên.

Hai vụ tấn công này được đánh giá là nghiêm trọng nhất tại Iran kể từ những năm đầu bất ổn sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Việc những kẻ tấn công khủng bố đều là người Iran gia nhập IS cho thấy các phần tử cực đoan Iran đã cấu kết với IS tại những khu vực mà IS kiểm soát tại Syria và Iraq. Và sau những thất bại gần đây của IS tại hai nước này, các đối tượng khủng bố đã quay trở lại tấn công Iran./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục