Ổn định tài chính - Nền tảng cho sự phát triển bền vững

17:57' - 15/12/2017
BNEWS Hội thảo “Những thay đổi trong khung chính sách tiền tệ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu” được Học viện Ngân hàng và Vụ Hợp tác quốc tế (NHNN) phối hợp tổ chức ngày 15/12 tại Hà Nội.
Hội thảo “Những thay đổi trong khung chính sách tiền tệ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu”. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

"Ổn định tài chính là nền tảng cho phát triển bền vững tại Việt Nam", đó là khẳng định của Ts. Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ - Ngân hàng nhà nước (NHNN) tại Hội thảo “Những thay đổi trong khung chính sách tiền tệ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu” được Học viện Ngân hàng và Vụ Hợp tác quốc tế (NHNN) phối hợp tổ chức ngày 15/12.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu xuất phát từ Mỹ giữa năm 2007 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống tài chính của Mỹ và châu Âu cũng như gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh những tác động tiêu cực đối với các hoạt động kinh tế, khủng hoảng tài chính cũng gây ra "cú sốc" đối với cơ chế và khuôn khổ chính sách tiền tệ trên thế giới, đặc biệt ở các nền kinh tế phát triển.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, trong giai đoạn 2008 - 2010, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng này, nhưng đến năm 2011 đã đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền móng cho các chính sách tiền tệ, tài khóa nhờ hàng loạt chính sách tái cấu trúc nền kinh tế.

Từ đó đến nay, các chính sách tiền tệ được điều hành thận trọng thông qua việc NHNN kiểm soát tăng trưởng cung tiền M2, tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh... Chính sự ổn định tài chính đã làm giảm rủi ro và tính bất định của nền kinh tế, kéo theo chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư giảm, kích thích đầu tư và tiêu dùng và giúp tăng trưởng bền vững, lâu dài cho nền kinh tế.

Nhận định về khung chính sách tiền tệ, bà Hà Thị Kim Nga, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Văn phòng đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết, đây luôn là vấn đề nóng tại các nước có thu nhập thấp và đang phát triển. Nhiều nước trong số này đã có những bước tiến bộ đáng kể trong việc bình ổn kinh tế vĩ mô và bình ổn giá.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ của các nước có thu nhập thấp và đang phát triển còn tồn tại một số nhược điểm như: mục tiêu chính sách không rõ ràng và trong quá trình ra quyết định, khả năng phân tích yếu, số liệu còn hạn chế... nên dẫn tới thiếu khuôn khổ định hướng để đánh giá khả năng phản hồi trước những cú sốc khủng hoảng.

Rút ra từ nhiều nghiên cứu chuyên sâu của IMF, bà đã chia sẻ các nguyên tắc chung về khung chính sách tiền tệ, bao gồm: sự độc lập và trách nhiệm giải trình của ngân hàng Trung ương; ưu tiên ổn định giá, mục tiêu lạm phát và các mục tiêu khác; chiến lược tương lai; truyền thông hiệu quả...

Trong đó, điểm nổi bật được các chuyên gia quan tâm, trao đổi tại hội thảo chính là tính độc lập của các ngân hàng Trung ương. Theo các chuyên gia, tính độc lập trong điều hành không dễ để thực hiện do đặc thù riêng tại Việt Nam.

Đề cập vấn đề này, Ts. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhận định, trước tiên cần chỉ ra NHNN sẽ độc lập như thế nào?. Để có thể độc lập trong điều hành chính sách thì trước tiên NHNN cần có lộ trình cụ thể trong việc độc lập vể tổ chức bộ máy.

Hội thảo cũng ghi nhận những chia sẻ của đại diện Ngân hàng Trung ương Thái Lan và Malaysia về kinh nghiệm điều hành chính sách tiền tệ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục