Petrolimex ưu tiên quản trị rủi ro khi lên sàn HOSE

17:33' - 13/04/2017
BNEWS Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, sự linh hoạt đôi khi cũng đồng nghĩa với kết quả “5 ăn, 5 thua” mà Petrolimex luôn đặt ưu tiên số 1 là quản trị rủi ro.
Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Mặc dù giá cổ phiếu của Petrolimex trên thị trường đã tăng gấp 5 lần mệnh giá ban đầu nhưng nhiều nhà đầu tư lại cho rằng, việc Nhà nước tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối sau khi Tập đoàn này lên sàn HOSE dự kiến vào 21/4 tới đây có thể làm “hạn chế” khả năng chủ động linh hoạt trong kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều này khiến cho cổ phiếu Petrolimex kém hấp dẫn. Phóng viên BNEWS đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Petrolimex Bùi Ngọc Bảo về vấn đề này.

BNEWS: Sau khi lên sàn HOSE vào tháng 4 này, Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối tại Petrolimex với 76% và dự kiến giảm xuống còn 65% trong năm 2017. Vậy đây có phải là điểm bất lợi khiến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn sẽ kém linh hoạt so với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối khác mà Nhà nước không nắm chi phối?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Mọi doanh nghiệp phân phối xăng dầu tại Việt Nam đều phải tuân thủ quy định chung của Nhà nước về kinh doanh xăng dầu, về định hướng bán, chất lượng xăng dầu và giá cả.

Đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối, sự linh hoạt trong điều hành có thể mang lại hiệu quả tức thời ở một số thời điểm nhất định. Các công ty xăng dầu mà Nhà nước không nắm cổ phần chi phối thì có thể “chớp” cơ hội nhanh hơn so với Petrolimex do không phải mất thời gian báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, sự linh hoạt đôi khi cũng đồng nghĩa với kết quả “5 ăn, 5 thua” mà Petrolimex luôn đặt ưu tiên số 1 là quản trị rủi ro.

Hiện Nhà nước đang thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng nâng cao tính tự chủ, tạo sự linh hoạt hơn cho doanh nghiệp. Nhà nước cũng đã phân tích rất rõ ràng về nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp khi có điều kiện để phục vụ. Còn lại, tất cả các doanh nghiệp cổ phần dù nhà nước nắm chi phối hay không thì cũng đều tuân thủ theo cơ chế thị trường.

BNEWS: Petrolimex đã chiếm 50% thị phần kinh doanh xăng dầu tại thị trường Việt Nam nên theo Luật cạnh tranh và luật chống độc quyền, dư địa cho việc mở rộng thị phần của Petrolimex không còn nhiều. Vậy, đây có phải là điểm kém hấp dẫn của Petrolimex?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Mặt hàng xăng dầu là do nhà nước quản lý, không chỉ quản lý về giá cả, mà cả phương thức tổ chức, phát triển mạng lưới và nhiều lĩnh vực liên quan. Do đó, việc chiếm xấp xỉ 50% thị phần phân phối xăng dầu là nằm trong sự giám sát quản lý của nhà nước để đảm bảo tính cạnh tranh. Vì vậy, đây chính là điểm hấp dẫn của Petrolimex.

Theo tôi, Luật chống độc quyền được áp dụng cho các ngành nghề và hàng hoá khác vì Nhà nước muốn hạn chế sự lũng đoạn thị trường về giá, về nguồn cung. Còn xăng dầu là mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Đối với các nhà đầu tư, thị phần chiếm lĩnh của công ty phân phối xăng dầu chưa hẳn là ưu tiên số 1 khi mua cổ phiếu mà là tỷ lệ hiệu quả trên một đơn vị thị trường của công ty đó. Với một tỷ lệ xấp xỉ 50% như Petrolimex, việc điều tiết, vận động luồng hàng hoá, chiết giảm chi phí mới là các tiêu chí đáng quan tâm. Điều này phản ánh rất rõ trong lợi nhuận của Petrolimex các năm gần đây.

BNEWS: Nhiều doanh nghiệp công bố tỷ lệ chia cổ tức rất “khủng” nhưng lại chọn hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu ưu đãi, còn tỷ lệ chi trả bằng tiền mặt chỉ chiếm phần nhỏ. Vậy trong cam kết cổ tức của Petrolimex tối thiểu 12% cho 3-5 năm nữa thì tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm thưa ông?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Đối với Petrolimex, việc tăng vốn không thuần tuý dựa vào cổ tức, mà có chương trình phát hành thêm để đảm bảo cho vốn phát triển của Tập đoàn. Bên cạnh đó, cam kết cổ tức 12% cho các năm tới của Petrolimex là cam kết chi trả bằng tiền mặt.

Năm 2015, Petrolimex trả 6% là tiền mặt và 10% là cổ phiếu thưởng. Tuy nhiên, sau đó Petrolimex mua lại toàn bộ và trả tiền cho cổ đông các cổ phiếu thưởng này.

Việc phát hành thêm cổ phiếu của Petrolimex luôn gắn với dự án cụ thể và các dự án trong quá trình đầu tư xây dựng chưa thể mang lại ngay lợi nhuận. Nhưng, vốn dành cho các dự án là thuộc về vốn đầu tư và sẽ có ảnh hưởng nhất định đến tỷ lệ chi trả cổ tức tại một thời điểm nhất định. Với Petrolimex, mức cổ tức 12% công bố cho 3-5 năm tới là mức chi trả phù hợp; đã được Tập đoàn tính toán kỹ lưỡng dựa trên các kế hoạch triển khai dự án và phát hành thêm cổ phiếu.

BNEWS: Dự án Lọc Hoá Dầu Nam Vân Phong đã được Chính phủ giao cho Petrolimex làm chủ đầu tư, nhưng sau nhiều năm thì dự án vẫn “trên giấy”. Vậy, sau khi lên sàn HOSE với năng lực tài chính được cải thiện thì Petrolimex có ý định “dấn thân” vào mảng kinh doanh mới này không?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong chủ yếu được nâng đỡ bởi hoạt động phân phối xăng dầu của Petrolimex là đầu ra cho nhà máy. Ngược lại, nhà máy lọc dầu này lại đảm bảo đầu vào cho việc tổ chức kinh doanh của Petrolimex.

Với Petrolimex, đầu tư cho dự án lọc hoá dầu không chỉ nhằm mục tiêu lợi nhuận mà quan trọng hơn là đảm bảo nguồn cung ổn định, bền vững cho hoạt động thương mại của Petrolimex.

Phải khẳng định là, Petrolimex không chậm triển khai dự án lọc dầu, chỉ là Petrolimex cần tính toán kỹ lưỡng. Đối với dự án lọc hoá dầu Nam Vân Phong, các nhà đầu tư đòi hỏi một cơ chế công bằng của Nhà nước đối với các dự án lọc hoá dầu cùng loại được đầu tư ở Việt Nam.

Thực tế là từ năm 2011 đến nay, có rất nhiều thay đổi về mặt thị trường, do đó các cấu hình của nhà máy lọc dầu cần phải được tính toán lại kỹ.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư Nhật Bản JX đang cùng với Petrolimex triển khai dự án này đều cho rằng, cần có cơ chế chung cho tất cả các dự án lọc hoá dầu cùng loại để đảm bảo tính công bằng và cạnh tranh.

Dự án lọc hoá dầu Nam Vân Phong là dự án chiến lược của Petrolimex về dài hạn. Hiện tại, Petrolimex tiếp tục xin Nhà nước cơ chế triển khai như các dự án lọc hoá dầu khác. Việc này đòi hỏi phải có thêm thời gian. Vì vậy, nếu có triển khai thì cũng phải sau năm 2020.

BNEWS: Nhiều ý kiến cho rằng quyền lợi của người lao động có thể bị ảnh hưởng khi Petrolimex lên sàn HOSE do những áp lực cổ đông đòi hỏi Tập đoàn phải tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động. Quan điểm của Petrolimex về vấn đề này?

Ông Bùi Ngọc Bảo: Quyền lợi của người lao động không liên quan tới việc doanh nghiệp lên sàn chính thức. Quyền lợi của người lao động chủ yếu là lương và các phúc lợi. Quyền lợi này được đảm bảo bằng chính sách dài hạn của doanh nghiệp đối với người lao động và phúc lợi.

Đối với doanh nghiệp như Petrolimex, lương, năng suất lao động là một trong những cấu thành quan trọng trong chi phí của doanh nghiệp. Vì vậy, dù lên sàn hay không lên sàn thì Petrolimex đều phải tăng cường quản trị doanh nghiệp hướng tới tiết giảm chi phí; trong đó, có việc nâng cao hiệu quả và năng suất của người lao động./.

BNEWS: Xin cảm ơn ông.

Xem thêm:

>> Petrolimex sẽ chính thức niêm yết cổ phiếu tại HoSE vào trung tuần tháng 4

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục