Phá "ma trận" thực phẩm "bẩn"

06:15' - 19/05/2016
BNEWS Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần tiến tới những mô hình kết nối hợp tác giữa người sản xuất, người nông dân và doanh nghiệp để thuận cho khâu giám sát và tiêu thụ hàng hóa.
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành nỗi lo chung của toàn xã hội. Ảnh: TTXVN

Chưa bao giờ an toàn vệ sinh thực phẩm lại đáng báo động và được dư luận xã hội quan tâm như hiện nay. Vấn đề này không chỉ là chuyện mâm cơm của người dân, mà đã trở thành hình ảnh và thương hiệu quốc gia.

* Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Trên thực tế, hiện có đến 3 bộ cùng vào cuộc trong cuộc chiến chống "thực phẩm bẩn", bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, đó là chưa kể đến lực lượng công an, hải quan, các cơ quan và địa phương liên quan. Ngoài ra, hệ thống cơ sở pháp lý từ Luật đến Nghị định, thông tư cũng có từ khá sớm.

Kết quả kiểm tra, giám sát của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn trên địa bàn cả nước cho thấy, tính từ tháng 10/2015 đến hết tháng 2/2016, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau là 5,17%; 1,91% mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn cho phép; 

15,4% mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu Salmonella (vi sinh vật gây bệnh); 7,27% mẫu thủy sản và sản phẩm thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép.

Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn diễn ra phức tạp. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Không chỉ chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, xã hội còn nhức nhối với tình trạng các loại thủy hải sản nuôi trồng thủy có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Kháng sinh không đơn giản chỉ có trong danh mục cấm, vẫn có loại có trong danh mục, có loại không có trong danh mục.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, trong một năm qua, lượng kháng sinh được nhập khẩu có nhiều hơn. Việc kiểm soát kháng sinh cũng khó hơn nhiều so với chất cấm.

Thời gian vừa qua, lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng đã phối hợp với lực lượng chức năng như Thú y, Hải quan, Biên phòng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm tình trạng nhập lậu, vận chuyển, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới.

Điều này góp phần ngăn chặn một lượng lớn thực phẩm bẩn trà trộn trên thị trường để đưa vào tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn và bảo vệ ngành sản xuất, chăn nuôi trong nước.

Cùng với đó, nhiều kho hàng, tụ điểm tập kết, buôn bán thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc, các chất phụ gia cấm trong chế biến, sản xuất thực phẩm, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cấm trong bảo quản thực phẩm cũng được lực lượng quản lý thị trường phát hiện và triệt phá. 

Về phần mình, Bộ Y tế cũng tăng cường siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, bảo đảm vệ sinh an toàn vệ sinh trong ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp.

Đồng thời, tăng cường thanh kiểm tra các loại phụ gia thực phẩm, vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm, các thực phẩm chức năng... Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết, trong quý I/2016, vẫn có 18,8% cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm… 

* Bất cập trong khâu nhận diện

Phần lớn các sản phẩm thực phẩm tươi sống được bày bán trên thị trường hiện chưa có nhãn, mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, khi phát hiện mẫu vi phạm, các lực lượng chức năng đã gặp rất nhiều khó khăn trong truy xuất, xác định nguyên nhân và xử lý.

Đây cũng là bất cập khiến người tiêu dùng chưa thể nhận biết được đâu là sản phẩm an toàn, sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ nơi đã được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng bất cập này là do các Bộ ngành vẫn chưa phối hợp chặt chẽ với nhau. Chưa kể các địa phương cũng chưa gắn kết, đặc biệt giữa các thành phố lớn với các tỉnh cung cấp nông sản.

Các chuỗi giá trị liên kết vẫn có sự chia cắt. Ảnh: TTXVN

Với những vùng cung cấp nông sản lớn như Đà Lạt, Sa Pa… vẫn có chia cắt, chưa hình thành chuỗi giá trị. Ngay cả người sản xuất và người tiêu dùng vẫn có sự chia cắt.

"Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ vốn, thông tin, kiến thức, Nhà nước cần đóng vai trò trong việc kiến tạo, tổ chức, phân cấp, giao quyền, đưa ra những thể chế mới để hình thành các tổ chức của dân, các tổ chức kinh doanh, sản xuất và gắn kết với nhau." - ông Đặng Kim Sơn cho hay.

Hiện cả nước có 35 tỉnh, thành phố đã có mô hình chuỗi với tổng số 280 chuỗi nông sản an toàn. Các sản phẩm chính của chuỗi là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thuỷ sản. Hiện nay đã có 69 cơ sở bán sản phẩm đã được cơ quan chức năng xác nhận (có nhu cầu và tự nguyện).

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết, thời gian tới sẽ nhận diện rõ trên thị trường về sản phẩm từ chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn với sản phẩm khác.

Đồng thời, ban hành chính sách cụ thể triển khai mô hình chuỗi và hỗ trợ thiết lập các liên kết sản xuất (tổ hợp tác, HTX …), kết nối sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, cần tiến tới những mô hình kết nối hợp tác giữa người sản xuất, người nông dân và doanh nghiệp để thuận tiện cho việc giám sát và cả khâu tiêu thụ hàng hóa.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: "Các chế tài xử phạt theo quy định của pháp luật hiện cũng đã khá nặng. Bởi, ngoài hình phạt chính xử phạt bằng tiền còn có hình thức rút giấy phép kinh doanh. Vấn đề là có làm nghiêm hay không? Kiểm tra an toàn thực phẩm phải thay đổi cách làm từ theo kế hoạch sang đột xuất, đi cùng với tăng cường giám sát, xử lý nghiêm, truy đến cùng nguồn gốc thực phẩm vi phạm".

Để đảm bảo thực phẩm “bẩn” không trở thành quốc nạn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu: "Các địa phương tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ký cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn."

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục