An toàn thực phẩm: Bài 3 - Nhanh chóng đưa công nghệ cao vào sản xuất

21:18' - 09/05/2016
BNEWS Theo các chuyên gia nông nghiệp, để kiểm soát an toàn thực phẩm, nông nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất bởi vì, đó là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững.

Việt Nam cần phải tái cấu trúc mô hình sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Đến khi nào chúng ta thôi tư duy “luống trồng nhà ăn và luống trồng đem bán” hay những câu chuyện khôi hài đến nhức lòng khi "trà dư tửu hậu" về cách bảo vệ gia đình người thân của mình trước nạn thực phẩm bẩn thì cũng đã đến lúc cần có những giải pháp khoa học công nghệ trong sản xuất an toàn, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản sạch.

Đây chính là cách để giúp người nông dân tìm ra hướng sản xuất mới mang lại hiệu quả cao, người tiêu dùng không quay lưng lại với nông sản Việt, doanh nghiệp Việt không còn bị thua ngay trên "sân nhà".

Hiện nay, tỉ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn còn quá lớn, không thể quản lý hết được nên đôi khi bị “con sâu bỏ rầu nồi canh” khi một số hộ chăn nuôi vì lợi nhuận trước mắt sử dụng chất cấm làm ảnh hưởng đến cả hệ thống chăn nuôi - ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội đã nhận xét như vậy khi nói về cái khó trong quản lý chất cấm trong chăn nuôi.

Việt Nam cần ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Bên cạnh đó, hệ thống giết mổ nhỏ lẻ quá nhiều với hơn 2.000 điểm, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ dẫn đến khó khăn trong khâu kiểm soát sản phẩm chăn nuôi.

Với siêu lợi nhuận từ chất Salbutamol đem lại thì người ta khó có thể "cưỡng lại" hấp lực của đồng tiền để từ chối không tham gia vào việc mua bán, đưa đến tận tay các chủ chăn nuôi nhỏ, lẻ chất cấm này. Đây cũng là bài toán nan giải với các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm lẫn trong khu dân cư để phát hiện và xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, ở Hà Nội, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 100 tấn thịt bò, 600 tấn thịt lợn và 200 tấn thịt gà, chỉ cần 4-5 cơ sở chăn nuôi quy mô lớn là đủ. Như vậy việc kiểm soát nguồn gốc sản phẩm sẽ thuận lợi và đảm bảo an toàn. Nhưng vì điều kiện kinh tế chưa cho phép nên Hà Nội vẫn phải cho các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ tồn tại, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người dân vùng nông thôn.

Tới đây, theo ông Sơn, Hà Nội phải xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín để dễ truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm từ khâu con giống, thức ăn chăn nuôi, đến thành phẩm. Trước mắt phải quản lý, hướng dẫn thế nào cho người chăn nuôi nhỏ lẻ nói không với chất cấm trong chăn nuôi mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi và nông nghiệp cần đảm bảo an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Điều này không chỉ đảm bảo sức khỏe mà còn là uy tín quốc gia, thể hiện khả năng cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, để kiểm soát được an toàn thực phẩm, nông nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bởi đó là hướng đi tất yếu để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, trồng trọt và chế biến sản phẩm sạch.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng liên kết với nông dân đưa ra các giải pháp khoa học công nghệ cao cho các mô hình chăn nuôi, sản xuất rau hữu cơ theo mô hình khép kín, chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm.

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, trung tâm đang tích cực tư vấn cho các địa phương xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm khép kín ngay tại địa phương. Đây là hình thức liên kết rất thuận lợi khi các xã ngoại thành Hà Nội cơ bản đều có chợ truyền thống để tiêu thụ sản phẩm.

Với hơn 820 chợ ở nông thôn, mỗi ngày những chợ lớn ở đây tiêu thụ từ 4-5 tấn thịt các loại, nên việc phát triển thị trường ở khu vực này song song với việc phát triển sản xuất để cạnh tranh và hội nhập quốc tế là vô cùng quan trọng. Đây cũng là thị trường mang tính chất nền tảng để sản xuất chăn nuôi cạnh tranh trên sân nhà, góp phần nâng cao khả năng đưa sản phẩm chăn nuôi an toàn xuất khẩu.

Theo anh Nguyễn Văn Hưng, hộ chăn nuôi lợn an toàn ở xã Vân Tảo (huyện Thường Tín), việc chăn nuôi lợn bằng thức ăn sinh học cũng có những khó khăn, hạn chế nhất định. Về ngoại hình, đàn lợn không bắt mắt như lợn bình thường (mông vai kém nở) nên bán cho thương lái tự do thường bị “dìm giá”.

Mặt khác, khi bán sản phẩm trên thị trường người tiêu dùng sẽ khó phân biệt đâu là thịt nuôi bằng thức ăn theo truyền thống, đâu là thịt lợn nuôi bằng thức ăn sinh học. Trong khi đó, người chăn nuôi bằng thức ăn sinh học lại chưa xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm. Do đó, việc tiêu thụ lợn nuôi bằng thức này sẽ gặp khó khăn nếu như không có nơi bán cố định để người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc xuất xứ.

Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, giải pháp khoa học công nghệ trong sản xuất thịt lợn an toàn là chăn nuôi khép kín theo mô hình 3F “Feed-Farm-Food” ("Feed” là thức ăn chăn nuôi, “Farm” là trang trại chăn nuôi và “Food” là thịt). Theo đó, điều kiện tiên quyết để sản xuất được thịt lợn an toàn là khả năng kiểm soát toàn bộ chuỗi 3F này. Khả năng kiểm soát này phụ thuộc vào trình độ sản xuất, đầu tư công nghệ, quy mô và quản lý sản xuất.

Để ngăn chặn một số trang trại sử dụng trái phép các chất cấm, ngoài điều khoản trong hợp đồng, công ty thường xuyên thông báo, nhắc nhở người hợp tác chăn nuôi không sử dụng các chất cấm. Đồng thời thực hiện kiểm tra chất cấm Salbutamol và Clenbuterol bằng xét nghiệm nước tiểu trước khi xuất bán. Lợn thịt được chuyển về các trung tâm bán thịt lợn, thuận tiện cho khách hàng và đảm bảo việc kiểm tra thú y, kiểm dịch được thực hiện tốt.

Vinamilk đưa vào hoạt động trang trại bò sữa theo công nghệ hàng đầu thế giới. Anh: TTXVN

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố 69 điểm cung cấp sản phẩm nông sản đã được xác nhận kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi trong lĩnh vực nông nghiệp và sẽ nhân rộng trong tương lai.

>>> Bài 1: Thực phẩm bẩn rình rập trên mỗi bàn ăn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục