Phát huy sức dân trong xây dựng nông thôn mới

14:11' - 25/12/2017
BNEWS Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, nhờ phát huy được tinh thần đoàn kết và quyền làm chủ của nhân dân, từ làm đường, xây nhà, xóa đói giảm nghèo đến phát triển kinh tế địa phương…

Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ mức bình quân đạt 2,8 tiêu chí/xã năm 2011, đến nay Tuyên Quang đã có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Kim Phú là một trong những xã mới hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Sơn. Năm 2011, khi bắt đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới, Kim Phú mới đạt 4/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống kinh tế của người dân trong xã còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 10,5 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp với quy mô nhỏ, lẻ; kết cấu hạ tầng còn kém đồng bộ và chưa hoàn chỉnh; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế của người dân còn nhiều hạn chế…
Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, với sự chung sức, đồng lòng của đảng bộ chính quyền và nhân dân trong xã, Kim Phú đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Ông Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Phú cho biết, ngay từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới xã đã xác định người dân có vai trò rất quan trọng, là chủ thể thực hiện và hưởng lợi ích trực tiếp từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, xã đã tiến hành tuyên truyền sâu rộng, đến toàn thể cán bộ, người dân trong xã để mọi người hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình…
Qua đó, đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng rất lớn từ nhân dân. Ngoài đóng góp tiền của, người dân còn đóng góp ngày công lao động, hiến đất làm đường bê tông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa thôn bản… Trong tổng số vốn đầu tư hơn 131 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới của xã, có trên 48 tỷ đồng là vốn đóng góp của nhân dân. Nhờ có sự đoàn kết, đồng lòng của chính quyền và người dân trên địa bàn xã nên việc thực hiện các tiêu chí khó như: nhà ở dân cư, cơ sở vật chất văn hóa, giao thông… đã được triển khai hiệu quả, giúp xã “về đích” xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra.
Để hiểu rõ hơn về vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới chúng tôi tìm đến thôn 14, xã Kim Phú. Ông Vũ Đức Lợi, Bí thư chi bộ thôn 14 cho biết, tiêu chí khó nhất trong xây dựng nông thôn mới tại đây là tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Bởi, trước đây mức kinh phí đóng góp để xây dựng nhà văn hóa là quá lớn so với mức thu nhập của người dân trong thôn, quỹ đất để xây dựng không có nên thôn không xây dựng được nhà văn hóa. Các cuộc họp thôn trước đây đều phải tổ chức nhờ ở nhà người dân trong thôn rất bất tiện.
Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong thôn đã tự nguyện đóng góp ngày công lao động và mức kinh phí cao hơn ở những thôn khác để mua đất, cải tạo mặt bằng làm nhà văn hóa, khuôn viên, sân thể thao… Có nhà văn hóa khang trang, người dân trong thôn ai cũng vui mừng, phấn khởi và thêm quyết tâm hoàn thành tất cả các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới.
Về Kim Phú hôm nay, sự thay đổi đã hiện rõ, trên 83% đường nội thôn, liên thôn được bê tông hóa sạch đẹp; trên 95% người dân được sử dụng điện an toàn; không còn nhà tạm nhà dột nát; thu nhập bình quân đầu người đạt 28,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,7%...
Không chỉ đóng góp của cải vật chất, ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa, làm đường bê tông… sự đóng góp của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới ở Kim Phú nói riêng và trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nói chung còn thể hiện ở việc: loại bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước từng bước phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo; ý thức trong việc bảo vệ môi trường, chỉnh tranh khuôn viên nhà ở, đường làng, ngõ xóm; sáng tạo nhiều cách làm hay, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương…
Phát huy được vai trò và quyền làm chủ của nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Sau 7 năm triển khai, đến nay Tuyên Quang đã có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số tiêu chí bình quân lên 12 tiêu chí/xã.
Ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang cho biết, khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới Tuyên Quang gặp rất nhiều khó khăn: người dân chủ yếu làm nông nghiệp, số hộ nghèo cao, diện tích đất xây dựng, đất sản xuất còn hạn chế...

Trong khi, mức kinh phí để hỗ trợ cho người dân có hạn… Vì vậy, tỉnh Tuyên Quang đã xác định cần phát huy nội lực để xây dựng nông thôn mới; trong đó, người dân là lực lượng làm chủ thực hiện xây dựng quê hương.
Theo đó, tỉnh đã quán triệt đến từng huyện, xã phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về xây dựng nông thôn mới; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dân biết, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, tạo sự đồng thuận từ các cấp chính quyền đến người dân… Qua đó, những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang từng bước được khắc phục.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, nhờ thực hiện xây dựng nông thôn mới diện mạo nông thôn ở Tuyên Quang đã có sự thay đổi tích cực; trong đó có sự đóng góp rất lớn từ nhân dân. Điển hình như Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.
Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đã huy động được trên 1.550 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước hỗ trợ 48%, nhân dân đóng góp 52%) để bê tông hóa trên 2.700 km đường giao thông nông thôn, nhân dân tự nguyện hiến trên 41.847 m2 đất để làm đường… Tính riêng năm 2017, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt khoảng trên 2.197 tỷ đồng; trong đó vốn huy động từ nhân dân đạt trên 129 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Huy Hùng chia sẻ, để tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới, Tuyên Quang sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, lựa chọn những nội dung phù hợp, thiết thực để vận động, khơi dậy tinh thần chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng dân cư; lồng ghép các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án để phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với việc hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới…
Năm 2018, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu có thêm 6 xã (Lăng Can, huyện Lâm Bình; Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa; Nhân Mục, huyện Hàm Yên; Phúc Ninh, huyện Yên Sơn; Sơn Nam, huyện Sơn Dương, Thái Long, thành phố Tuyên Quang) đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, nâng số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 13 tiêu chí/xã…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục