Nam Định đầu tư phát triển hợp lý chợ truyền thống

17:30' - 25/11/2024
BNEWS Chợ truyền thống đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội; vừa là nơi lưu thông hàng hóa, phục vụ đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân và lưu giữ văn hóa truyền thống bản địa.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh Nam Định đang có xu hướng thu hẹp, một số huyện có mật độ chợ tương đối thưa thớt, chủ yếu là các chợ hạng III, quy mô nhỏ. Số chợ hạng I, II ít, tập trung chủ yếu ở thành phố Nam Định và các thị trấn lớn, chậm được nâng cấp để lên hạng. Mặt khác, theo đánh giá của ngành chức năng, sức mua bình quân đầu người của tỉnh tương đối thấp so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, cùng với xu hướng thay đổi về hành vi tiêu dùng sang các loại hình thương mại hiện đại, thương mại điện tử nhanh dẫn đến việc mở rộng mạng lưới chợ truyền thống gặp nhiều khó khăn.

Việc kêu gọi và thu hút đầu tư theo hướng xã hội hoá vào phát triển hạ tầng thương mại còn nhiều hạn chế, nhất là ở nông thôn. Bên cạnh đó, việc bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng thương mại tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Khoảng cách năng lực giữa các siêu thị, trung tâm thương mại và thương mại điện tử và chợ truyền thống ngày càng lớn khiến sức cạnh tranh của chợ truyền thống ngày càng giảm; người tiêu dùng ngày càng thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm, chuyển hướng tiện lợi.

Trong khi đó, nhiều bất cập tồn tại trong kinh doanh và công tác quản lý chợ cũng là nguyên nhân làm giảm thu hút khách hàng đến với chợ như chính sách đầu tư, quy hoạch phát triển thương mại của địa phương; mô hình quản lý, nhận thức của ban quản lý chợ, tiểu thương… chưa bắt kịp thị hiếu người tiêu dùng hiện đại. 

Ngày 9/8/2024 UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 464/UBND-VP6 chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển và quản lý chợ. Theo đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định và đôn đốc thực hiện phương án phát triển chợ tích hợp trong Quy hoạch tỉnh tới các địa phương, doanh nghiệp, tiểu thương trong toàn tỉnh.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành một số nội dung về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn tỉnh: phân cấp quản lý chợ cho cấp huyện, cấp xã cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; trách nhiệm của UBND các cấp trong việc xóa bỏ điểm kinh doanh tự phát; quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ; quy định việc quản lý điểm kinh doanh tại chợ và hướng dẫn nội quy áp dụng cho tất cả các chợ trên địa bàn tỉnh. 

UBND các huyện, thành phố Nam Định chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham mưu thu hồi tài sản kết cấu hạ tầng chợ do cấp huyện quản lý; sử dụng số tiền thu được từ việc khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ; rà soát tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phát triển, quản lý chợ và giải quyết các vấn đề liên quan đến vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan. Rà soát, xây dựng phương án xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát, lấn chiếm hành lang giao thông, lề đường, không đảm bảo về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; công bố việc phân hạng, phân loại chợ trên địa bàn quản lý.

Chủ động cân đối nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ trên địa bàn căn cứ vào tình hình thực tiễn, tính cấp thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định pháp luật có liên quan. Nỗ lực đưa Nghị định vào cuộc sống đang được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho địa phương đẩy mạnh phát triển hệ thống chợ truyền thống, đảm bảo phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục