Phát triển kinh tế biển bền vững: Bài 2- Quản lý biển theo không gian

14:21' - 22/11/2017
BNEWS Phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và công cụ quy hoạch không gian biển vẫn đang là vấn đề mới mẻ đối với các nhà khoa học, quản lý và lập chính sách của Việt Nam.
Nuôi tôm hùm tại thị xã Sông Cầu, Phú Yên. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

Quản lý tổng hợp biển theo không gian đòi hỏi xác lập một cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý biển, giải quyết đồng bộ các quan hệ phát triển khác nhau. Trong đó quan hệ giữa các mảng không gian cho phát triển kinh tế biển và tổ chức không gian biển hợp lý cho phát triển kinh tế biển bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần đi trước một bước.

Nhằm đạt được mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và tạo dựng được một nền kinh tế xanh, trong khi trình độ khai thác biển của nước ta vẫn đang lạc hậu so với khu vực, giải pháp đề ra là phải xây dựng được một nền công nghệ biển hiện đại, phát triển được một nền kinh tế biển hiệu quả, bền vững, có khả năng hội nhập quốc tế; có một phương thức quản lý tổng hợp biển theo không gian và bảo đảm được an ninh chủ quyền trên biển. 

Liên kết 4 mảng không gian biển

Theo nghiên cứu của Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi và các nhà khoa học Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Khác với trên đất liền, không gian kinh tế biển rộng mở, khá đa dạng và luôn tác động tương hỗ nhau cả về mặt tự nhiên và phát triển theo các cấp độ khác nhau.

Điều đó cho thấy tiềm năng không gian biển cho phát triển kinh tế biển nước ta còn rất lớn, tập trung vào các mảng không gian chính yếu. Đó là không gian vùng ven biển (duyên hải), không gian biển, không gian đảo và không gian đại dương. Đối với kinh tế biển cả 4 mảng không gian này đều rất quan trọng vì nó cung cấp những tiền đề, tiềm năng và lợi thế khác nhau cho phát triển kinh tế biển.

Dải ven biển là không gian chuyển tiếp giữa lục địa và biển luôn chịu tác động tương tác qua lại giữa các quá trình lục địa và biển. Năng lực nội sinh và nhu cầu nội vùng ở dải ven biển nước ta rất đáng kể, tập trung đa dạng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, các hệ thống tài nguyên và hệ sinh thái quan trọng bậc nhất tạo tiền đề cho phát triển đa ngành, đa mục tiêu.

Nơi đây tập trung khoảng trên 50% dân số cả nước, khoảng 50% các đô thị lớn với kết cấu hạ tầng ngày càng hiện đại và nhiều khu công nghiệp lớn đang được đầu tư phát triển mạnh, trong đó có ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia.

Một dải đất hẹp với bờ biển dài trên 3.260 km vừa có lợi thế trong phát triển kinh tế, vừa là khu vực phòng thủ đất nước mang tính chiến lược, được xem là vùng kinh tế động lực, có khả năng phát triển nghiều ngành, nghề khác nhau (du lịch, cảng biển, thủy sản, khai khoáng,…), cho nên đầu tư vào khu vực này một cách hiệu quả sẽ tạo ảnh hưởng lan toả hỗ trợ cho phát triển vùng nội địa (khu vực trung du-miền núi), đồng thời tạo cơ sở cho phát triển một nền kinh tế biển hiệu quả lâu dài.

Vùng nước lợ cũng là mảng không gian thuộc dải ven biển có diện tích hẹp, nhưng cực kỳ quan trọng đối với phát triển “quỹ đất dự phòng quốc gia” và thuỷ sản bền vững. Đây là nơi cư trú tự nhiên, nơi sinh đẻ và ươm nuôi ấu trùng của nhiều loài thuỷ sinh vật không chỉ ở ngay vùng này, mà còn từ ngoài khơi vào theo mùa (90% các loài thuỷ sản sống ở vùng biển thềm lục địa và biển xa có tập tính gắn bó với vùng nước cửa sông, ven bờ).

Các hệ sinh thái quan trọng (rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn...) đều tập trung ở vùng này, đã cung cấp tiềm năng bảo tồn đa dạng sinh học biển và nguồn giống hải sản tự nhiên cho nghề khai thác và nuôi trồng thuỷ, hải sản. Chúng có tính liên kết (connectivity) sinh thái tự nhiên mật thiết với nhau và tạo ra những “dây xích sinh thái” quan trọng đối với toàn vùng biển, mà một trong các mắt xích bị tác động sẽ ảnh hưởng đến các mắt xích còn lại.

Diện tích có khả năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản ở vùng triều khoảng 1.130.000 ha, diện tích trồng lúa, cói và làm muối hiệu quả thấp ở ven biển có thể chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản khoảng gần 500.000 ha.

Diện tích các vùng đầm phá tập trung ở các tỉnh miền Trung (từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận) có khả năng phát triển thuỷ sản khoảng 12.000 ha. Ngoài ra, có khả năng đưa 20.000 ha vùng bãi ngang sát biển vào nuôi trồng thủy sản, với điều kiện phải bảo vệ nguồn nước ngầm ngọt khan hiếm ở ven biển.

Nước ta có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế hải đảo. Đối với các đảo, cụm đảo lớn, đông dân như Phú Quốc, Vân Đồn, Côn Đảo, Cát Bà, Lý Sơn...nên xây dựng thành các trung tâm kinh tế hải đảo toàn diện, có bán kính ảnh hưởng rộng ra vùng xung quanh và là những cực phát triển “tiếp nối” quan trọng với dải ven biển trong bình đồ tổ chức không gian biển.

Bên cạnh các giá trị cảnh quan nổi, quanh đảo còn quy tụ các hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi hải sản, phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển. Trên đảo có các làng cá, di tích văn hoá và lịch sử thuần Việt phản ánh “văn hoá làng chài” và “văn minh biển cả”,… hay còn gọi chung là “văn hóa ứng sử biển cả”, góp phần tạo ra các gía trị du lịch nghề cá mà đến nay chưa được khai thác và phát triển theo đúng nghĩa.

Các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia thuộc về các mảng không gian biển khơi, vịnh, vùng biển ven bờ (vùng ven bờ) và nhỏ hơn là các mảng không gian của các vũng biển ven bờ với các đặc trưng và tiềm năng phát triển khác nhau.

Trên biển đã xác định sơ bộ 6 vùng đa dạng sinh học, 12 ngư trường quan trọng đối với nghề cá, 9 cụm biển-đảo cần ưu tiên bảo tồn và 16 khu bảo tồn biển được Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 2010 (chiếm 0,3% diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế, khoảng 70.000 ha rạn san hô, 20.000 ha cỏ biển, một phần rừng ngập mặn, phần lớn các bãi giống, bãi đẻ của các loài sống ở vùng biển ven bờ và khoảng 100 loài quý hiếm sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt trong hệ thống 15 khu bảo tồn biển này).

Vùng biển khơi rộng lớn ở phía ngoài là không gian phát triển các hoạt động hàng hải và khai thác dầu khí ở thềm lục địa, đồng thời sẽ là nơi diễn ra các hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế biển sôi động hơn khi nước ta đã trở thành thành viên của WTO.

Biển là cửa mở của quốc gia để giao lưu quốc tế, nhưng vẫn cần chủ động “mở cửa” để hội nhập quốc tể trên biển, để góp phần xây dựng Biển Đông thành “khu vực biển hoà bình” và để tăng cường lợi ích quốc gia trên biển.

Vùng biển này cũng là không gian phát triển của nghề cá đa loài với đặc trưng nổi bật nhất là quanh năm đều có cá đẻ. Đây là nơi phát triển nghề đánh bắt hải sản với số lượng tàu thuyền khá lớn (trên 90.000 chiếc) và hàng ngày có khoảng 10.000 tàu thuyền đánh cá của ngư dân ta trên biển. Cho nên ngư dân là lực lượng không thể thiếu vừa làm kinh tế vừa góp phần bảo vệ an ninh vùng biển tổ quốc.

Không gian biển cần sớm được quy hoạch. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Không gian biển cần sớm được quy hoạch

Trên bình đồ tổ chức không gian biển hiện nay đã có 3 vùng kinh tế trọng điểm quốc gia (2 tam giác kinh tế và 1 hành lang kinh tế), 15 khu kinh tế ven biển gắn với hệ thống cảng biển nước sâu, một số đảo bước đầu được xác định phát triển thành các trung tâm kinh tế hải đảo trong tương lai, cùng với các trung tâm du lịch ven biển.

Vì vậy nên chú trọng tận dụng các đô thị lớn ven biển đã được thời gian thử thách theo mô hình “đô thị-cảng-biển” như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu…

Vấn đề tồn tại là do các “đô thị-cảng-biển” đầu tư dàn trải nên vẫn chưa xác định rõ các cực phát triển “tiên phong”, thiếu các tuyến lực đủ mạnh ở ven biển để tọa mối liên kết vùng. Trong bối cảnh như vậy, bên cạnh việc lựa chọn đầu tư cho một số trung tâm hướng biển mới, cần chú trọng tận dụng các đô thị lớn ven biển đã được thời gian thử thách theo mô hình “đô thị-cảng-biển” như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu…

Đầu tư cho các đô thị này cùng với một số trung tâm kinh tế hướng biển được chọn lựa để xây dựng, không chỉ thành các cực phát triển mạnh ở dải ven biển mà còn là các cực đối trọng chính của các cực nói trên trong khu vực Biển Đông, để đến năm 2020, các mảng không gian biển của nước ta sẽ trở thành một trong những khu vực biển phát triển năng động trên thế giới.

Trên cơ sở bình đồ tổ chức không gian biển-ven biển, cần tiến hành quy hoạch không gian cho từng khu vực biển, vùng ven biển và cụm đảo cụ thể. Thông qua tính toán đầy đủ các nguồn lực (nội lực, ngoại lực), đặc biệt là các giá trị sinh thái của vùng quy hoạch, xác định thế mạnh phát triển, hiện trạng khai thác, sử dụng vùng biển theo không gian và thời gian, quy hoạch không gian biển sẽ phân bổ không gian theo lộ trình thời gian cho các hoạt động của con người trong vùng quy hoạch để đạt được các mục tiêu kinh tế, xã hội và sinh thái.

Mặt khác xác định “chế độ pháp lý” cho các mảng không gian phân chia cho các ngành, người sử dụng để bảo đảm mức độ tuân thủ quy hoạch cao nhất, để giảm thiểu mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng đa ngành và tối ưu hóa lợi ích kinh tế trong khi vẫn bảo toàn được chức năng sinh thái và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững ở vùng quy hoạch./.

>>>Phát triển kinh tế biển bền vững: Bài 1: Thách thức vẫn rất lớn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục