Phát triển kinh tế trang trại gặp khó về vốn và đất đai

19:39' - 02/11/2017
BNEWS Kinh tế trang trại đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp nhưng đang gặp nhiều khó khăn về vốn và đất đai để phát triển quy mô lớn.
Trang trại chăn nuôi theo chuẩn VietGap. Ảnh: TTXVN

Trong những năm qua, mô hình kinh tế trang trại đã khẳng định hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp nông thôn, góp phần xây dựng thành công chương trình nông thôn mới.

Bên cạnh đó, mô hình kinh tế trang trại đã giúp nông dân thay đổi phương thức tổ chức sản xuất truyền thống sang hướng hiện đại, đánh thức tiềm năng đất đai, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Tuy nhiên, hiện nay, phát triển kinh tế trang trại vẫn gặp nhiều vướng mắc, nhất là khâu tiếp cận vốn tín dụng và đất đai.

Nền tảng phát triển

Hiện nay, kinh tế trang trại đang tăng nhanh về số lượng với nhiều thành phần tham gia. Trên cả nước đã có nhiều mô hình trang trại phát huy được lợi thế của vùng, địa phương, mang lại hiệu quả cao, doanh thu từ 1-3 tỷ đồng/năm, một số mô hình còn cho doanh thu từ 5-10 tỷ đồng/năm.

Điều đó đã khẳng định kinh tế trang trại là một trong những loại hình mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Tại Hà Nội, sau dồn điền đổi thửa, trên địa bàn thành phố đã hình thành 1.230 trang trại theo tiêu chí mới; trong đó có 920 trang trại chăn nuôi, 190 trang trại thủy sản, 120 trang trại tổng hợp và khoảng 2.500 mô hình sản xuất quy mô vừa và nhỏ với tổng diện tích 15.000 ha. Đặc biệt, trong số này đã có gần 700 trang trại đạt thu nhập từ 1 tỷ đồng đến trên 3 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, trong cơ cấu ngành nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản hiện chiếm tới 56,71% giá trị sản xuất, Thành phố Hà Nội đã trở thành địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất toàn quốc.

Đến nay, Hà Nội đã hình thành 15 xã trọng điểm về chăn nuôi bò sữa với số lượng 10.863 con, chiếm 68% tổng đàn bò sữa toàn thành phố; sản lượng sữa 72,6 tấn/ngày, chiếm 72,2% tổng sản lượng toàn thành phố.

Ngoài ra, Hà Nội có 19 xã chăn nuôi bò thịt trọng điểm với tổng đàn 26.759 con, 13 xã chăn nuôi lợn trọng điểm với 227.330 con, 29 xã chăn nuôi gia cầm trọng điểm với gần 5,9 triệu con.

Hiện nay, ngành nông nghiệp Hà Nội đã và đang tập trung xây dựng và hình thành các vùng chăn nuôi lợn tập trung tại một số xã thuộc huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ; vùng nuôi lợn nái và lợn thương phẩm tại các huyện Sơn Tây, Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh...; giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư.

Ông Nguyễn Trọng Long, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, chỉ với diện tích hơn 2 ha nhưng năm 2012, trang trại của ông đã cung cấp ra thị trường gần 800 tấn lợn hơi và hàng ngàn con giống các loại, doanh thu đạt gần 40 tỷ đồng. Thành quả này của trang trại còn duy trì cho đến hiện nay.

Cần gỡ "nút thắt" về vốn, đất đai

Kinh tế trang trại đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp nhưng đang gặp nhiều khó khăn về vốn và đất đai để phát triển quy mô lớn.

Nguyên nhân là do phần lớn đất để làm trang trại là đất thuê, đất đấu thầu nên không đủ điều kiện đảm bảo vay ngân hàng. Việc cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại hiện nay không có giá trị về kinh tế, không thể thế chấp vay vốn ngân hàng.

Ông Nguyễn Trọng Long, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, khó khăn lớn nhất của các trang trại hiện nay là khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi nên đa phần các trang trại thiếu vốn để đầu tư mở rộng sản xuất.

Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của các chủ trang trại còn nhiều hạn chế, nhiều người chưa quan tâm đến việc đề nghị cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, do tấm giấy này chưa mang lại những thuận lợi cho việc phát triển kinh tế trang trại.

Chủ trang trại chăn nuôi bò sữa ở huyện Ba Vì (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Khôi cho hay, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại này là do còn thiếu những chính sách, giải pháp đột phá để phát triển kinh tế trang trại, đồng thời chưa thực hiện được quy hoạch phát triển cho từng địa phương kết hợp phát triển trong và ngoài vùng.

Đồng thời, vốn đầu tư cho phát triển kinh tế trang trại còn hạn hẹp, công nghệ chế biến chưa gắn với vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, chưa có đủ điều kiện để hình thành các thương hiệu mạnh…

Để góp phần giải quyết những khó khăn trong việc phát triển kinh tế trang trại theo hướng bền vững, giúp nông dân, chủ trang trại yên tâm sản xuất, Tiến sỹ Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng, trước hết cần thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, sản xuất hàng hóa, đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất thông qua công tác khuyến nông. Đồng thời khuyến khích các chủ trang trại ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản xuất, trao đổi thông tin và tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản…

Theo các chuyên gia kinh tế, để tháo gỡ “nút thắt” đất đai, cần khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn mức, các đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, từ đó nâng cao quy mô của các đơn vị sản xuất nông nghiệp, nhất là quy mô gia đình.

Ngoài ra, cần thực hiện chính sách mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp lý, phù hợp với điều kiện đất đai của từng vùng và nhịp độ phát triển công nghiệp, dịch vụ...

>>>Phát triển bền vững kinh tế trang trại: Cần chính sách mới hiệu quả hơn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục