Phát triển bền vững kinh tế trang trại: Cần chính sách mới hiệu quả hơn

17:47' - 23/08/2017
BNEWS Mô hình kinh tế trang trại trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta đang phát triển nhanh, nhưng chủ yếu vẫn dừng ở quy mô hộ gia đình, với quỹ đất còn hạn hẹp, thiếu vốn để phát triển lâu dài.
Mô hình nuôi gà quy mô trang trại áp dụng quy trình công nghệ cao tại Lâm Đồng của gia đình ông Lục Văn Tâm. Ảnh: Nguyễn Dũng-TTXVN

* Kinh tế trang trại phát triển nhanh

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến của kinh tế hộ, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao; là đơn vị sản xuất tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, cũng như chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Có thể nói, kinh tế trang trại là nhân tố mới ở nông thôn; là động lực mới, nối tiếp và phát huy động lực của kinh tế hộ, góp phần vào quá trình chuyển dịch, tích tụ ruộng đất, gắn liền với quá trình phân công lao động nông thôn.

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả, hiện đại, trong đó có những chính sách khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế trang trại.

Thời gian qua, kinh tế trang trại trên phạm vi cả nước có bước phát triển mạnh mẽ, đạt được giá trị sản lượng cao trên một đơn vị diện tích; tạo ra các mô hình sản xuất hàng hóa lớn, hỗ trợ việc làm cho lao động ở nông thôn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay cả nước có gần 150.000 trang trại với diện tích đất sử dụng khoảng 900.000ha. Trong đó, các trang trại chuyên trồng cây nông nghiệp chiếm 55,3%; chăn nuôi gia súc, gia cầm chiếm 10,3%; lâm nghiệp chiếm 2,2%; nuôi trồng thủy sản chiếm 27,3% và sản xuất kinh doanh tổng hợp chiếm 4,9%.

Trong đó, các tỉnh miền Bắc tuy có số lượng trang trại không nhiều, song đã xuất hiện những mô hình phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại các tỉnh Sơn La, Ðiện Biên, Bắc Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Nam, Nam Ðịnh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… đã xuất hiện các mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập cao. Hay thành phố Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế trang trại. Hiện, toàn thành phố có hàng nghìn trang trại, tập trung nhiều nhất ở các huyện Thạch Thất, Hoài Ðức, Sóc Sơn, Ðông Anh, Thường Tín, Gia Lâm, Thanh Trì… Tại Ðồng Nai, những năm gần đây, số lượng trang trại có xu hướng tăng nhanh. Từ năm 2012, cả tỉnh chỉ mới có khoảng 1.700 trang trại, nhưng đến hết năm 2016, số lượng trong toàn tỉnh đã lên tới hơn 3.800 trang trại, với giá trị sản lượng hàng hóa bình quân đạt 3,3 tỷ đồng/trang trại/năm.

* Cần những chính sách mới hiệu quả hơn

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, phần lớn chủ trang trại hiện nay còn thiếu thông tin về thị trường nông sản, khoa học kỹ thuật và quản lý; thiếu vốn sản xuất để phát triển lâu dài. Thông thường, họ cũng lúng túng và chịu thua thiệt khi giá nông sản xuống thấp, tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, hay phải lặp lại điệp khúc “được mùa mất giá” và đôi khi phải nhờ tới Chính phủ “giải cứu”.

Trang trại trồng rau hữu cơ. Ảnh: H.Chung/TTXVN
Trao đổi với các doanh nghiệp và những người làm trang trại tại “Diễn đàn Kinh tế hợp tác và phát triển trang trại Việt Nam” tổ chức ở TP Hồ Chí Minh ngày 15-6-2017, ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp-Nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương), cho rằng trang trại là đơn vị sản xuất kinh doanh nông nghiệp phổ biến, phù hợp nhất trong nông nghiệp hiện nay. Vì vậy, theo ông Tiến, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích hộ nông dân tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế trang trại… Nhất là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến và dịch vụ trong nông nghiệp.

Ngoài ra, thể chế cho phát triển nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến hệ quả là đầu tư tư nhân và cả đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp đều ở mức thấp. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông lâm thủy sản chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn trong tổng số doanh nghiệp hoạt động của cả nước, thậm chí có xu hướng tăng trưởng chậm lại qua các năm. Như điều tra của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, khó khăn đối với các doanh nghiệp nông nghiệp là thiếu đất cho vùng nguyên liệu, thiếu đất cho khu chế biến, giá thuê đất cao…

Có 50% doanh nghiệp được điều tra cho rằng việc thiếu đất và mặt bằng là cản trở chính yếu nhất để họ đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông nghiệp nông thôn; 67,7% doanh nghiệp nông nghiệp đánh giá chính sách đất đai không thuận lợi, gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Các chuyên gia khuyến nghị, để “nâng tầm” kinh tế trang trại trong thời gian tới nên cần có những chính sách mới hiệu quả hơn. Chẳng hạn như trong chính sách đất đai, Chính phủ đã có Nghị quyết 03/2000/NQ-CP vào tháng 2-2000. Đây là hành lang pháp lý quan trọng tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế trang trại. Vấn đề là đến nay, văn bản này vẫn đang có hiệu lực thi hành, cho dù đã gần 20 năm, nhiều chính sách về đất đai, tín dụng… đã thay đổi, nhiều chính sách dành cho kinh tế trang trại trong văn bản này không còn phù hợp nữa.

Hoặc như trong chính sách tín dụng, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho kinh tế trang trại nhưng những chính sách đó lại nằm rải rác ở các văn bản khác nhau. Còn thực tế, đến nay vẫn chưa có một văn bản mang tính hệ thống tích hợp tất cả những chính sách đó, thậm chí có nhiều quy định còn chưa rõ ràng.

Đó là những bất cập cần được các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý nghiên cứu để sao cho ngay cả những người nông dân, doanh nghiệp làm kinh tế trang trại nhìn vào đó là họ thấy ngay cần phải làm gì và được hỗ trợ những gì, hỗ trợ ra sao… ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục