Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Bài cuối: Không chạy theo phong trào

09:14' - 23/12/2017
BNEWS Phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của chương trình chứ không chạy theo phong trào.
Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đã cho thấy hiệu quả về năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm. Trong khi nguồn lực đầu tư của nhà nước còn hạn chế thì việc khuyến khích, hỗ trợ dưới nhiều hình thức để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao là cần thiết.

Mặc dù vậy, qua trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhấn mạnh tới việc đảm bảo tính bền vững và hiệu quả của chương trình chứ không chạy theo phong trào.

BNEWS: Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định 1895/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Xin bà cho biết, Chương trình đã đem lại hiệu quả như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lồng ghép, thực hiện nhiệm vụ tạo và phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp thông qua Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp, thuỷ sản, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến, Chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước và một số nhiệm vụ cấp Bộ nghiên cứu phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp. Từ năm 2015 đến nay, Bộ đã và đang triển khai 10 nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc Chương trình.

Đến nay Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 3 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là: Hậu Giang, Phú Yên và Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.

Hiện 5 địa phương là Thái Nguyên, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Quảng Ninh và Cần Thơ thuộc quy hoạch tổng thể đã xây dựng đề án thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gửi Bộ để tổ chức thẩm định.

Bộ đã tổ chức thẩm định hồ sơ khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng, 4 địa phương còn lại đang hoàn thiện hồ sơ đề án theo góp ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành.

Ba địa phương còn lại thuộc quy hoạch tổng thể tại Quyết định 575/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là Bình Dương, Tp. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa chưa lập hồ sơ để thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt, mặc dù các mô hình khu này đã đi vào hoạt động khá hiệu quả.

Trồng dưa lưới trong nhà màng tại Khu nông nghiệp công nghệ cao qua hệ thống phần mềm quản lý ứng dụng công nghệ cao tại huyện Củ Tri. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cũng đã công nhận 35 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các doanh nghiệp được công nhận có đại diện tất cả lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản và đều tập trung vào các đối tượng chủ lực của ngành.

Bên cạnh đó, đến nay đã có 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được UBND cấp tỉnh công nhận gồm: Trung Sơn Kiên Giang sản xuất tôm thẻ chân trắng quy mô công nghiệp theo chuỗi giá trị từ nuôi đến chế biến và thương mại (tỉnh Kiên Giang); vùng sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao Thái Phiên (tỉnh Lâm Đồng)

BNEWS:  Ngành nông nghiệp hiện đang cơ cấu lại, theo bà làm thế nào để khoa học công nghệ phát huy vai trò là động lực, là đòn bẩy trong sản xuất?

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy: Cần huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực ngân sách hỗ trợ thực hiện các chương trình, đề án, nhiệm vụ khoa học công nghệ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp bền vững nhằm ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Các tổ chức khoa học công nghệ cần quyết liệt đổi mới trong triển khai các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao kết quả khoa học công nghệ vào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp và người nông dân về ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư thành lập trung tâm, viện nghiên cứu; tham gia thực hiện các nhiệm vụ có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như các đơn vị nghiên cứu công lập. Hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp liên kết với những tổ chức công nghệ để thúc đẩy quá trình nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

Khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ nhập khẩu công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Từng bước có những chính sách, biện pháp khắc phục tình trạng phân tán ở các cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cần tập trung vào nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm; tập trung vào các sản phẩm xuất khẩu và các sản phẩm thay thế nhập khẩu, các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh.

Đẩy mạnh phát triển công nghệ sau thu hoạch, khắc phục lãng phí sau canh tác, tạo ra những ưu thế so sánh nhất định. Có như vậy mới nâng cao được giá trị gia tăng của sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao về cho đất nước, cho doanh nghiệp và nông dân.

Cùng với đó, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mang tri thức và tiến bộ khoa học công nghệ từ nhà khoa học đến với nông dân, giúp họ áp dụng vào thực tiễn, thay đổi tập quán làm nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông nghiệp.

Chính sự liên kết này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, giúp nông dân nâng cao thu nhập và nhà khoa học có động lực để nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ cao.

BNEWS: Liên kết giữa nhà khoa học – doanh nghiệp – nông dân còn yếu. Theo bà, cần làm gì để những nghiên cứu khoa học công nghệ sớm được chuyển giao?

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy: Cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách để hỗ trợ quyết liệt cơ cấu lại ngành nông nghiệp; trong đó lưu ý điều chỉnh, xây dựng các chính sách có tính đặc thù vùng, miền; đổi mới chính sách theo hướng tháo gỡ các vướng mắc cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cho nông dân và doanh nghiệp, nhất là chính sách về đất đai, tín dụng, thuế, thương mại.

Để tăng cường nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ, Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ giải quyết các vấn đề căn bản trong chuỗi sản xuất, nhất là công nghệ giống, quy trình và các khâu chế biến, phân phối với cả 3 nhóm sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh, sản phẩm địa phương.

Đổi mới tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp; trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt. Hướng dẫn và hỗ trợ nông dân hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác kiểu mới.

Bên cạnh đó, quyết liệt tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tham gia liên kết chuỗi. Trước hết là tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, nhằm thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp. Tổng kết, tuyên truyền và nhân rộng các hình thức hợp tác, liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản ra toàn quốc.

BNEWS:  Doanh nghiệp đến với nông nghiệp công nghệ cao đang gặp nút thắt lớn nhất về vốn. Phía ngân hàng cho biết, việc cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm, vẫn chưa có tiêu chí cụ thể để xác định doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dẫn đến việc thẩm định, cho vay sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn chậm. Vậy theo bà cần phải tháo gỡ nút thắt này như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy: Việc đề nghị công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, không có quy định bắt buộc doanh nghiệp khi đạt tiêu chí quy định tại Luật Công nghệ cao và Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao, phải đăng ký công nhận.

Tùy theo nhu cầu và mục đích, doanh nghiệp sẽ quyết định đề nghị công nhận. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thẩm định và công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay Bộ đã công nhận được 35 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/03/2017 về tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ, để triển khai chương trình gói tín dụng 100.000 tỷ đồng đạt được hiệu quả.

Hiện nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ dân sản xuất kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thiếu thông tin đầy đủ và cập nhật về thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động ngân hàng đối với lĩnh vực này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiêp công nghệ cao.

Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để việc triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp công nghệ cao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả.

Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao sử dụng nguồn vốn huy động của các ngân hàng thương mại cho vay, không có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hay nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện chương trình này.

Do vậy, ngân hàng chỉ cho vay theo chương trình đối với các doanh nghiệp, người dân có dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có thị trường tiêu thụ ổn định và sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ đối với khách hàng để chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo chủ trương của Chính phủ đạt kết quả tốt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, xác định đúng các dự án ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai cho vay theo chương trình nhưng không chạy theo phong trào, đảm bảo hiệu quả và tính bền vững.

BNEWS: Xin cảm ơn bà!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục