Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Bài 3: Lấy thị trường làm "tâm điểm"

08:27' - 21/12/2017
BNEWS Để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển thì vấn đề tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh.

Nếu không có đầu ra vững chắc và lâu dài cho sản phẩm thì dù sản phẩm được đầu tư tốn kém đến thế nào, cũng chỉ là sản phẩm "thí nghiệm". Vì vậy, nhiều chuyên gia đã khẳng định rằng, thị trường vẫn là mấu chốt của một nền sản xuất hiện đại.

Trồng hoa lan công nghệ cao vào Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn là biến đổi khí hậu, tham gia các hiệp định thương mại tự do và nền công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh toàn cầu, thâm nhập vào đa lĩnh vực và cuộc sống. Ngoài nhiệm vụ phục vụ cho nhu cầu trong nước thì sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hướng đến xuất khẩu để nâng cao giá trị gia tăng hơn nữa cho sản phẩm nông nghiệp.

Kể cả cung cấp nội địa hay xuất khẩu, sản phẩm trước hết phải đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn của người tiêu dùng. Vì vậy, chính người tiêu dùng sẽ quyết định sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam phải được sản xuất như thế nào. Người nông dân và doanh nghiệp muốn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng hàng hóa cao, có hiệu quả, đạt giá trị cao như mong muốn thì phải thấu hiểu được nguyện vọng của người tiêu dùng, đáp ứng thật tốt những yêu cầu của họ thì mới phát triển lâu dài.

Bà Đinh Thị Kim Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, ngành nông nghiệp của tỉnh Long An cũng chỉ mới bắt đầu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhưng đây cũng là cơ hội bên cạnh các khó khăn về ứng dụng kỹ thuật. Bởi, thông qua các hoạt động hiệu quả và chưa hiệu quả của các doanh nghiệp cũng như nông dân ứng dụng công nghệ cao ở nơi khác, ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Long An sẽ tìm hiểu và tìm kiếm thị trường rồi mới đẩy mạnh sản xuất, không dẫm lên bước chân cũ ồ ạt sản xuất khi chưa có đầu ra.

Có như vậy, tỉnh Long An mới có thể đảm bảo mục tiêu lộ trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao toàn diện, theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhiều ý kiến cho rằng việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua còn khiêm tốn do chính sách chưa đủ mạnh hoặc khó áp dụng. Ông Mai Thành Phụng, nguyên Thường trực Trung tâm Khuyến nông quốc gia phía Nam cho rằng, cần phải có những đổi mới về chính sách nhằm tạo “cú hích” để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều nhà khoa học nông nghiệp cũng đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng thí điểm cơ chế nghiên cứu khoa học do doanh nghiệp đặt hàng, cùng đầu tư, nghiệm thu, sử dụng và thương mại hóa kết quả. Hướng đến điều chỉnh các cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức trung gian thương mại hóa sáng chế, thí điểm phát triển một số loại hình chợ công nghệ cho riêng doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ - CP ngày 7/3/2017 về cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Quyết định 813 ngày 24/4/2017 về hướng dẫn phạm vi, đối tượng và lãi suất cho vay trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng đề án trình Quốc hội phê chuẩn vấn đề tích tụ đất đai để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây được xem là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quyết tâm và cam kết của Chính phủ trong chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, nguồn vốn 100.000 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao hiện chỉ được giải ngân 30%. Với nguồn vốn ít ỏi này thì chỉ có 3 trung tâm công nghệ cao được thành lập là Hậu Giang, Kiên Giang và Hưng Yên. Hầu hết các doanh nghiệp và nông dân (thông qua các hợp tác xã) tiếp cận nguồn vốn này lại không dễ dàng. Chính bản thân doanh nghiệp phải tự đầu tư và xoay xở đầu ra, thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình.

Không những vậy, các địa phương cũng phải tạo điều kiện để khuyến khích các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò "đầu tàu" trong chuỗi này, hỗ trợ kĩ thuật cho nông dân.

Trong thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ sửa đổi Nghị định 210/3013/NĐ-CP để hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều hơn nữa trong việc đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở khu vực nông thôn, sửa Quyết định 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp cũng như tối ưu hóa các chính sách về thị trường, thương mại nông sản.

Cụ thể, trong năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ 15 tỷ đồng làm kinh phí xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, ông Dự chia sẻ thêm./.

Bài 4: Cần sự "dấn thân" của doanh nghiệp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục