Phong tục đón Tết lạ của các nước trên Thế giới (Phần 3)

15:15' - 08/02/2016
BNEWS Mỗi quốc gia lại có những cách chào đón năm mới theo các phong tục truyền thống riêng. Hãy cùng khám phá những phong tục diễn ra trong những ngày Tết ở một số nước trên thếgiới.
Đón Tết tại Ấn Độ kéo dài trong 5 ngày. Ảnh: TTXVN

21. Ấn Độ

Tết ở Ấn Độ kéo dài trong 5 ngày, bắt đầu từ 31/10, ngày thứ tư được coi là ngày đầu tiên của năm mới. Vào dịp Tết, không ai được phép giận dỗi và nổi cáu.

Ở một số vùng ở Ấn Độ, buổi sáng đầu tiên của năm mới ai cũng nước mắt lưng tròng để đón mừng năm mới. Một số nơi khác thì lại có tục nhịn ăn một ngày, một đêm.

Buổi sáng đầu tiên của năm mới mọi người sau khi chúc tụng nhau, dùng một chiếc túi nhỏ đựng phấn hồng xoa lên trán người đối diện chúc cho mọi sự may mắn như ý. Thanh niên đổ mực đỏ vào súng phun nước và phun vào bạn bè, người thân.

22. Nhật Bản

Ở Nhật Bản, năm mới gọi là Oshogatsu, là dịp tụ họp gia đình nên tất cả cửa hàng, văn phòng, cơ quan đều đóng cửa.

Người Nhật chuẩn bị Tết từ trước đó khá lâu. Họ có thú vui mua sắm Tết và tặng quà nhau. Nhiều người Nhật đổ tới các chùa để làm lễ đầu năm.

Theo truyền thống, trong những ngày đầu năm, các cô gái được sai ra đồng bứt hái nhiều loại cây cỏ (không độc) khác nhau.

Tới ngày mùng bảy Tết, chủ nhà đem nấu những lá “lộc xuân” đó với gạo thành món ăn đặc biệt dùng để ăn sáng. Người Nhật tổ chức ngày lễ mừng năm mới cũng vào ngày 1/1 Tây lịch và kéo dài tới 2 tuần.

Người Hàn Quốc thường mặc Han-Boks vào dịp Tết. Ảnh: TTXVN

23. Hàn Quốc

Năm mới, người Hàn Quốc thường mặc Han-Boks, một loại trang phục cổ truyền. Vào buổi sáng của năm mới, họ thường có nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên, sau đó là ăn món Dduk-gook - một loại súp làm bằng gạo.

Năm mới là ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc, mọi người thường dành những ngày này cho gia đình và người thân.

24.Trung Quốc

Tết cổ truyền ở Trung Quốc là những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Bắt đầu từ 8/12 (âm lịch) mọi người dân Trung Hoa trên khắp thế giới kéo nhau về quê ăn Tết để được đoàn tụ với gia đình.

Trong những ngày này, mọi người quây quần bên nhau làm những món ăn ngon để thờ cúng tổ tiên trong dịp năm mới và những lễ hội vui Tết Nguyên Đán của họ được kéo dài cho đến hết ngày 15/1 (âm lịch).

25. Lào

Tết đón năm mới của các bộ tộc Lào là Bun-gu-may (quen gọi là Tết buộc chỉ cổ tay hay Tết té nước). Tết Bun-gu-may được tổ chức trong ba ngày 13,14,15 tháng 4 (dương lịch).

Đón Tết tại Capuchia. Ành: TTXVN

 26.Campuchia

Người Campuchia lấy ngày sinh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để tính niên đại. Trong dịp Tết, các đền chùa thường treo cờ ngũ sắc và cờ trắng hình cá sấu của đạo phật.

Trước khi đón năm mới, mọi nhà đều dựng bàn thờ để đón ông bà tổ tiên, trên bàn thờ thường thắp 5 nén nhang, 5 đèn cầy. Và các gia đình đều làm 5 núi cát, có nơi người ta không đắp bằng cát mà đắp bằng trái cây, các loại bánh hoặc những chẽn lúa... 

27. Malaysia

Ngày đầu năm mới của Malaysia bắt đầu từ mùng 1 tháng 1 (theo lịch Hồi giáo). Vẫn là những ngôi nhà được quét dọn, trang hoàng lộng lẫy, phố xá được trang trí với nhiều mầu sắc rực rỡ.

Chỉ có điều trước Tết khoảng 10 ngày, những người dân Malaysia theo đạo Hồi không mua sắm nhiều thứ ngon vật lạ cho Tết mà bắt đầu nhịn ăn (chỉ ăn nhẹ trước khi mặt trời lặn).

Họ cho rằng đó là sự thể hiện lòng cảm thông với sự thống khổ của những người nghèo trên trái đất như lời thánh Ala răn dạy.

28. Philippin

Năm mới ở Philippin diễn ra từ ngày 30/12 dương lịch cũng chính là dịp lễ kỷ niệm ngày Philippin Jose Lisarơ - nhà thơ yêu nước, người anh hùng dân tộc khởi xướng phong trào độc lập, vì thế ngày nay người ta còn gọi là "ngày anh hùng".

Vào những ngày lễ hội đón năm mới, mọi ngả đường lầu hoa dựng lên như nấm, quần chúng khắp nơi đi diễu hành múa hát dọc theo đường phố, khua chiêng gõ trống ầm trời.

Hoạt động này kéo dài đến ngày 7 tháng 1. Sau đó ngày 9 tháng 1 người dân Philippin lại tiếp tục Tết đón thần Narareno.

29. Ai Cập 

Dù biết từ trước là năm mới sẽ đến nhưng người dân nơi đây vẫn ngóng đợi lúc mặt trăng có hình lưỡi liềm và sự tuyên bố bắt đầu năm mới. Thông điệp năm mới bắt đầu được phát ra từ nhà thờ Muhammed Ali ở Cairo.

Các thủ lĩnh tôn giáo sẽ lan truyền tin này tới dân thường. Những người này trước đó đứng đợi bên ngoài nhà thờ sẽ chúc mừng lẫn nhau. Sau đó, họ về nhà kể cho gia đình mình nghe và ăn một bữa đặc biệt mừng năm mới.

Ngày hôm ấy, ngay cả gia đình nghèo nhất cũng cố tổ chức một bữa ăn thịnh soạn. Trên bàn ăn không có rượu (đạo Hồi cấm rượu).

Năm mới tới, ai cũng mặc đồ đẹp. Ngay cả những cô gái ngày thường chỉ mặc trang phục đen theo quy định của Hồi giáo thì lúc đón tân niên cũng được phép mặc những bộ quần áo nhiều màu rực rỡ./.

Phong tục đón Tết lạ của các nước trên Thế giới (Phần 1)

Phong tục đón Tết lạ của các nước trên Thế giới (Phần 2)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục