PVN kiến nghị hoàn thiện luật trong bối cảnh mở cửa thị trường lao động

20:59' - 03/05/2018
BNEWS PVN sẽ cùng với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam rà soát các văn bản pháp luật hiện hành để kiến nghị sửa đổi nhằm bảo vệ việc làm cho người lao động trong bối cảnh mở cửa mạnh thị trường lao động.
Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Đại hội Công đoàn Dầu khí Việt Nam làn thứ VI, ngày 3/5 tại Hà Nội. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Đây là khẳng định của Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Trần Sỹ Thanh tại Đại hội Công đoàn Dầu khí Việt Nam lần thứ VI (nhiệm kỳ 2018-2023) chiều 3/5 tại Hà Nội.

Theo ông Thanh, hiện Việt Nam đang tồn tại một số văn bản quy phạm pháp luật gây bất lợi cho việc bảo vệ việc làm của người lao động nói chung, trong đó có lao động ngành dầu khí.

Thực tế là một số quy định hiện hành đang vô tình mở cửa thị trường lao động Việt Nam lớn hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Chỉ tính riêng trong ngành dầu khí, người nước ngoài rất dễ dàng vào Việt Nam làm việc trong khi nhân lực ngành dầu khí Việt Nam dù được được đánh giá có trình độ cao trên thị trường quốc tế nhưng không hề dễ dàng tìm việc làm ở nước ngoài do những rào cản chính sách pháp luật của nước sở tại, ông Thanh chỉ rõ.

Cũng theo ông Thanh, thực hiện chủ trương tái cấu trúc, cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước thì tới đây, PVN sẽ có nhiều mô hình công ty thành viên như: công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty liên doanh…nên việc phát sinh các mâu thuẫn xung đột giữa người lao động và người sử dụng lao động sẽ khó tránh khỏi.

Thực tế ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, sự yếu kém của các tổ chức công đoàn cơ sở tại một số công ty liên doanh chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới những xung đột lợi ích sâu sắc giữa các bên và dẫn tới một số cuộc đình công của người lao động.

Vì vậy, trong nhiệm kỳ tới, Công đoàn dầu khí Việt Nam cần đổi mới mô hình hoạt động, xác định đúng phương thức hoạt động của mỗi tổ chức công đoàn trong từng loại hình doanh nghiệp để có thể thực sự đại diện cho tiếng nói của người lao động, bảo vệ và hài hoà lợi ích của người lao động với lợi ích của quốc gia dân tộc.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Ghi nhận những thành tích đạt được của Công đoàn dầu khí Việt Nam trong 5 năm vừa qua, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định: Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật do Công đoàn Dầu khí Việt Nam phát động đã được người lao động hưởng ứng với trên 2.000 đề tài ứng dụng, đem lại hiệu quả trong thực tiễn.

Đặc biệt, các phong trào thi đua yêu nước trên các công trình/dự án trọng điểm của Ngành dầu khí đã góp phần hoàn thành trước tiến độ các hạng mục, công trình, đem lại lợi ích và tiết kiệm cho PVN hàng nghìn tỷ đồng.

Theo ông Cương, giai đoạn 2018 – 2023 sẽ đặt ra nhiều thách thức với công đoàn dầu khí Việt Nam khi PVN tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp. Đặc biệt, việc tái cấu trúc doanh nghiệp tại PVN sẽ dần tới những tác động không nhỏ đến chế độ lương thưởng, việc làm của người lao động sau cổ phần hoá.

Vì vậy, các phong trào thi đua yêu nước của Công đoàn Dầu khí Việt Nam thời gian tới cần theo hướng thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm. Phong trào thi đua phải phù hợp với đặc thù của từng đơn vị nhằm tạo sự đổi mới, và động lực thực sự trong phong trào.

Tổng liên đoàn Lao động Việt NamNam trao tặng bứcbức trướng cho Công đoàn Dầu khí Việt Nam. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn dầu khí cần đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn.

Cùng đó, các cấp công đoàn dầu khí cần thực hiện tốt công tác tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, nhất là Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật An toàn vệ sinh lao động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục