Quảng Ngãi giải bài toán thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh

14:22' - 22/09/2017
BNEWS Ngày 22/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về lĩnh vực tín dụng ngân hàng.
Gần 9 tháng qua, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức ngân hàng tại tỉnh Quảng Ngãi đạt gần 40 ngàn tỷ đồng. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Tham dự đối thoại có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ; đại diện các ngân hàng, quỹ tín dụng, sở, ngành và gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Phạm Trường Thọ cho biết: Việc tổ chức hội nghị nhằm khơi thông dòng vốn tín dụng, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn tín dụng với mức lãi suất hợp lý, giúp các doanh nghiệp phát triển; đồng thời, góp phần quản lý chặt chẽ nợ xấu, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong gần 9 tháng của năm 2017, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 385 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh lên 4.150 doanh nghiệp. Tổng vốn đăng ký đạt trên 12 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tư nhân đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc duy trì và phát triển doanh nghiệp, điển hình là vấn đề thiếu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong khi lượng vốn huy động trên địa bàn tại các tổ chức tín dụng rất dồi dào và tăng trưởng ổn định.

Cụ thể là gần 9 tháng qua, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức ngân hàng trên địa bàn tỉnh đạt gần 40 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước; trong khi tăng trưởng tín dụng có phần chậm lại, tổng dư nợ tín dụng chỉ đạt trên 36 ngàn tỷ đồng.

Theo ông Phạm Trường Thọ, vấn đề thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh thể hiện rõ nhất tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, các hợp tác xã, chủ trang trại. Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều ưu tiên về lãi suất và tín dụng đối với khu vực này nhưng gần 9 tháng qua, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ đạt 6 tỷ đồng; doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ đạt 96 tỷ đồng.

Điều này cho thấy khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp này trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã nêu các vấn đề, những vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn vay, tập trung vào những nội dung: ngân hàng cần linh hoạt hạng mức tín dụng; thời gian cho vay chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; các doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn vay; hợp tác xã chưa được thế chấp tài sản của hợp tác xã (quyền sử dụng đất của hợp tác xã được Nhà nước giao) để vay vốn, chưa được ngân hàng cho vay vốn tín chấp, chưa có sự ưu đãi trong tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp...

Đại diện các ngân hàng đã chia sẻ những vấn đề liên quan đến hoạt động cho vay, tín dụng đối với các cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, nêu rõ những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng với mục tiêu mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, chất lượng tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp và người dân.

Đại diện các sở, ngành cũng tập trung giải đáp những nội dung kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết kiến nghị, khơi thông nguồn vốn tín dụng và ngày càng lành mạnh hóa nguồn vốn tín dụng, đầu tư trên địa bàn tỉnh./.

>>> Mở rộng tín dụng thuê mua, giải pháp giúp DNNVV giảm gánh nặng về vốn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục