Quy định mới về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng

18:32' - 14/03/2018
BNEWS Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư 04/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng.
Theo đó, các biện pháp xử lý trong giám sát ngân hàng bao gồm: khuyến nghị, cảnh báo; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; áp dụng can thiệp sớm; kiến nghị cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý giám sát ngân hàng khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư bổ sung các quy định cụ thể về việc áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng. Cụ thể, căn cứ các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối tượng giám sát ngân hàng, tài liệu, thông tin, dữ liệu về tình hình hoạt động của đối tượng giám sát ngân hàng, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, ban hành văn bản áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng lâm vào một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 130a Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung).
Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, ban hành văn bản áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng là Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn nơi có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng lâm vào một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 130a Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung).
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng xem xét, ban hành văn bản áp dụng can thiệp sớm đối với đối tượng giám sát ngân hàng là Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn lâm vào một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 130a Luật các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung).
Thông tư cũng quy định rõ, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản áp dụng can thiệp sớm, đối tượng giám sát ngân hàng có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước (qua đơn vị thực hiện giám sát ngân hàng) giải trình thực trạng, nguyên nhân, phương án khắc phục và tổ chức triển khai thực hiện.
Ngoài ra, trong trường hợp đối tượng giám sát ngân hàng không xây dựng được phương án khắc phục theo quy định hoặc hết thời hạn thực hiện phương án mà không khắc phục được tình trạng quy định, tùy theo tính chất, mức độ rủi ro, Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, ban hành văn bản yêu cầu đối tượng giám sát ngân hàng thực hiện một hoặc một số biện pháp quy định…
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục