Doanh nghiệp khắc phục tình trạng "hai sổ" để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng

18:53' - 19/10/2017
BNEWS Hiện các doanh nghiệp đã từng bước nâng cao ý thức và khắc phục tình trạng hai sổ sách kế toán, tăng cường tính minh bạch, xây dựng dự án có hiệu quả khả thi... để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Ngày 19/10, tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, các chuyên gia đánh giá, đây là thời điểm thuận lợi mà cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có nhiều điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Kết quả này là nhờ hiệu quả của chương trình Kết nối Doanh nghiệp - Ngân hàng được triển khai mạnh mẽ trên cả nước.

Giải ngân hơn 550.000 tỷ đồng

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, chương trình Kết nối Doanh nghiệp - Ngân hàng được khởi động từ năm 2012 tại Tp. Hồ Chí Minh, đã từng bước triển khai mở rộng ra cả nước. Tính 9 tháng năm 2017, đã có hơn 300 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên cả nước.

Qua đó, các ngân hàng cam kết cho vay các doanh nghiệp mới gần 570.000 tỷ đồng và giải ngân hơn 550.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp. Đồng thời, số tiền được gia hạn, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ là gần 30.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, các ngân hàng còn áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ cho doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ gần 20.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có nhiều điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Ảnh minh họa: BNEWS/TTXVN

Tại Tp. Hồ Chí Minh, sau 5 năm triển khai chương trình Kết nối Doanh nghiệp - Ngân hàng với sự cam kết hợp tác các bên, gồm Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh; UBND Thành phố; Hiệp hội doanh nghiệp; hệ thống ngân hàng... đã được triển khai đến tận địa bàn vùng sâu, vùng xa. Các ngân hàng đã chủ động đi tìm doanh nghiệp, cùng đơn vị sản xuất kinh doanh tháo gỡ khó khăn và tư vấn cho doanh nghiệp cả về kế hoạch tài chính, dòng tiền quản lý dự án...

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánhTp. Hồ Chí Minh cho biết, chương trình Kết nối Doanh nghiệp - Ngân hàng tại Tp. Hồ Chí Minh là chương trình "ký thật" và "giải ngân thật", triển khai hiệu quả theo tiến độ cam kết của các đơn vị liên quan, đồng thời chưa có phát sinh nợ xấu hay nợ quá hạn.

Để đạt được kết quả trên, ông Nguyễn Hoàng Minh cho hay, chương trình Kết nối Doanh nghiệp - Ngân hàng tại Tp. Hồ Chí Minh, chủ yếu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các lĩnh vực ưu tiên phát triển và từng bước mở rộng ra các thành phần kinh tế khác như hợp tác xã, tiểu thương...

Trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa là 6,5%, còn trung và dài hạn ở mức 8% - 9%. Mức lãi suất này, đã được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá hợp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nguồn vốn ổn định để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Theo Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, tính riêng 10 tháng năm 2017, tín dụng trên địa bàn thành phố tăng trưởng 14%. Từ đây đến cuối năm, Tp. Hồ Chí Minh còn hơn 100.000 tỷ đồng hỗ trợ cho đơn vị sản xuất kinh doanh, ưu tiên doanh nghiệp chuẩn bị hàng Tết Nguyên đán năm 2018.

Hiện nay, các doanh nghiệp đã từng bước nâng cao ý thức và khắc phục tình trạng hai sổ sách kế toán, tăng cường tính minh bạch, cải thiện trình độ quản trị doanh nghiệp, xây dựng dự án có hiệu quả khả thi...

Dựa trên nền tảng phát triển bền vững này, nguồn vốn tín dụng đã đến doanh nghiệp với mức lãi suất hợp lý, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của Chính phủ như nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Gỡ nút thắt tiếp cận vốn ưu đãi

Liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn tín dụng trong chương trình Kết nối Doanh nghiệp - Ngân hàng, đại diện các ngân hàng, cho biết không phân biệt đối xử đối với các thành phần kinh tế và luôn chú trọng mọi đối tượng khách hàng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng, các sản phẩm phòng ngừa rủi ro lãi suất và tỷ giá, nhằm giúp doanh nghiệp chủ động về vốn.

Riêng đối với lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhẹ tại một số ngân hàng lớn vì nguồn vốn huy động của những ngân hàng này khá dồi dào. Các ngân hàng này cũng áp dụng những lãi suất ưu đãi cho những lĩnh vực ưu tiên, đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, trong 9 tháng năm 2017, tín dụng tăng trưởng 11,02%. Vì vậy, các ngân hàng cần phải tăng trưởng thêm hơn 10% nữa để đạt chỉ tiêu tăng trưởng 21% - 22%. Với tổng dư nợ trong toàn hệ thống là khoảng 6 triệu tỷ đồng, các ngân hàng phải đẩy ra 600.000 tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm 2017, tức mỗi tháng phải đẩy ra 200.000 tỷ đồng.

Chia sẻ giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, cần đẩy mạnh triển khai chương trình Kết nối Doanh nghiệp - Ngân hàng, tập trung rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay. Trong đó, có các sản phẩm tín dụng đặc thù cho cho từng thành phần kinh tế và phù hợp với đối tượng tiếp cận vay vốn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, qua khảo sát của đơn vị này, doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn rất lớn, nhưng do thiếu tài sản thế chấp, tài sản hình thành trong tương lai, số liệu tài chính chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn.

Chính vì vậy, HUBA kiến nghị, trong thời gian tới, chương trình Kết nối Doanh nghiệp - Ngân hàng cần xem xét cho vay trên cơ sở đảm bảo vay đúng đối tượng, thiết thực, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn nữa. Nếu tháo gỡ được những thách thức này, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng khởi nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh sẽ phát triển nhanh.

Ngoài đánh giá cao những kết quả đạt được của chương trình Kết nối Doanh nghiệp - Ngân hàng nói riêng và hoạt động của ngành ngân hàng nói chung, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, kết quả nổi bật nhất của chương trình là nâng cao nhận thức về mối quan hệ "cộng sinh" giữa doanh nghiệp và ngân hàng, hai bên bình đẳng và kết nối với nhau cùng phát triển bền vững.

Đặc biệt, thể hiện vai trò kết nối các nguồn lực xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển trên cơ sở vào cuộc khơi thông nguồn vốn và tạo điều kiện cho đơn vị sản xuất kinh doanh tiếp cận vốn ưu đãi.

Theo ông Đào Minh Tú, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tất cả hoạt động theo xu hướng chú trọng cải cách hành chính, công khai, minh bạch và thông tin kịp thời đến cho nền kinh tế, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì, đảm bảo giá trị VND; kiềm chế lạm phát; tăng trưởng tín dụng hợp lý... Đồng thời, điều hành tỷ giá, cân đối nguồn ngoại tệ phù hợp với nhu cầu thị trường, tuy nhiên, cũng thực hiện các giải pháp kiểm soát ngoại tệ hiệu quả.

Riêng đối với hoạt động cho vay vốn ưu đãi, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai gần 10 gói hỗ trợ dành cho nhiều đối tượng, đa dạng lĩnh vực ngành nghề ưu tiên phát triển./.

>>> Cách nào thúc đẩy tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục