Rà soát thể chế quản lý chuỗi giá trị lúa gạo

12:51' - 17/03/2017
BNEWS Thách thức lớn nhất hiện nay là thay đổi thể chế quản lý ngành lúa gạo và chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng quản lý chất lượng và hợp tác liên kết trong chuỗi mới cải thiện được năng lực cạnh tranh.
Rà soát thể chế trong chuỗi giá trị lúa gạo. Ảnh: Thúy Hiền/Bnews/TTXVN
Sáng 17/3, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo Rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo, nhằm thảo luận những chính sách quản lý ngành lúa gạo với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo chất lượng.

Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, vai trò của tổ chức nông dân, tổ chức nghề nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo là hết sức quan trọng. Thách thức lớn nhất hiện nay là thay đổi thể chế quản lý ngành lúa gạo và chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng quản lý chất lượng và hợp tác liên kết trong chuỗi mới cải thiện được năng lực cạnh tranh.

Trình bày kết quả nghiên cứu rà soát thể chế chuỗi giá trị lúa gạo, ông Đặng Quang Vinh, Nghiên cứu viên, CIEM cho biết, diện tích canh tác lúa tăng nhanh từ năm 2007 với sản lượng tăng gần 10 triệu tấn từ năm 2005 đến năm 2015; Năng suất lúa cao, năm 2014 đạt 57,6 tạ/ha, cao nhất trong khu vực Đông Nam Á; xuất khẩu đạt tốc độ cao, trung bình 14%/năm về lượng và 10%/năm về giá trị trong giai đoạn 1989-2012.

Tuy nhiên, quy mô sản xuất lúa gạo còn nhỏ, trung bình 0,44 ha/hộ, chất lượng gạo thấp, nhiều chủng loại, không đồng đều, giá thấp hơn so với nước khác. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành lúa gạo sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới như: phân mảnh đất đai, khó áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất; biến đổi khí hậu, ngặp mặn, hạn hán, thiếu nước và thói quen canh tác dùng nhiều hóa chất gây ô hiễm đất, không bền vững…

Để nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo, ông Đặng Quang Vinh cũng đưa ra những khuyến nghị như: cần nhận thức rõ về vai trò của quyền tài sản trong hoạt động kinh tế, đầu tư và phát triển, cho dù ở quy mô nhỏ: quyền tài sản rõ ràng, có giá trị là nền tảng căn bản cho tín dụng, đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ cho phát triển thị trường đất nông nghiệp, tích tụ đất đai và sản xuất quy mô lớn, chất lượng cao và năng suất cao.

Bên cạnh đó, cần chuyển đổi tư duy trọng cung, duy lượng sang tư duy trọng chất, đặc biệt là coi trọng năng suất lao động và thu nhập của người dân. Ngoài ra, an ninh lương thực cần toàn diện: dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng quan trọng hơn lượng gạo; thu nhập là quan trọng nhất vì sản lượng gạo trong nước dư thừa.

Đồng quan điểm, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cũng cho rằng, cần tôn trọng quy luật thị trường trong phát triển kinh tế, đặc biệt là phân bổ nguồn lực đất đai, lao động còn rất nặng tính hành chính; quá nhiều rào cản đối với thị trường đất nông nghiệp; tính chất kế hoạch hóa còn nặng nề.

“Cần một tư duy hệ thống, toàn diện, nhất quán từ sản xuất đến thương mại cho ngành lúa gạo nói riêng và nông nghiệp nói chung”, ông Cung nhấn mạnh.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đối với chính sách đất đai cần thảo luận kỹ vấn đề thị trường cho thuê đất nông nghiệp. Hiện nay, việc điều chỉnh quy hoạch và tập trung ruộng đất là chưa đủ để tăng thu nhập cho nông dân, cần có khuyến nông tốt, nghiên cứu tư vấn thị trường. Chính sách tín dụng cần đề cập đến là tín dụng cho Hợp tác xã kiểu mới và cải cách tín dụng nông nghiệp theo dự án, không nên theo thế chấp đất đai…/

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục