Rào cản trong thu hồi vốn vay đóng "tàu 67"

21:10' - 10/12/2017
BNEWS Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Agribank Thanh Hóa, nhiều chủ tàu khi đến kỳ trả nợ cứ khất lần và nói là lỗ nặng, nhưng khi cán bộ tín dụng tìm đến nhà thì không thấy hoặc đang ở trên biển.
Ngân hàng gặp khó trong việc kiểm tra, giám sát tài sản đảm bảo tiền vay và nguồn thu nhập của ngư dân để trả nợ chương trình cho vay theo Nghị định 67. Ảnh minh họa: TTXVN

“Đặc thù của nghề biển là đánh bắt khắp nơi nên có lúc các chủ tàu thường bán hải sản tại nhiều cảng ở các địa phương khác nhau, nơi tàu ở gần, như: Thanh Hóa, Hà Tỉnh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị,... và có lúc neo đậu tàu tại các cảng lớn. Điều này gây khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm tra, giám sát tài sản đảm bảo tiền vay và nguồn thu nhập của ngư dân để trả nợ ngân hàng”.
Đây là trăn trở của ông Phan Đức Tiến, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Nghệ An cũng như các chi nhánh Agribank ở các địa phương trên cả nước. Từ đó đặt ra vấn đề về rủi ro trong kiểm soát dòng tiền khi triển khai cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản).
Thực tế cho thấy, phần lớn người vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 thường khai thác đánh bắt theo hình thức đơn lẻ. Các chủ tàu thường bán hải sản ngay trên biển cho các tàu dịch vụ hậu cần hoặc bán tại các cảng thuộc địa phương khác, không thuộc địa bàn của chi nhánh ngân hàng đã cho vay. Do đó, khả năng kết nối theo chuỗi giữa hoạt động khai thác - chế biến - tiêu thụ còn rất hạn chế kéo theo việc ngân hàng gần như không thể quản lý được dòng tiền bán hàng của ngư dân sau mỗi chuyến đi biển. Đây là lí do chính khiến ngân hàng không thể đánh giá được hiệu quả sau đầu tư và so sánh với phương án thẩm định ban đầu.
Thêm vào đó, việc báo cáo kết quả khai thác của các chủ tàu còn chưa minh bạch, khách quan. Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Agribank Thanh Hóa, nhiều chủ tàu khi đến kỳ trả nợ cứ khất lần và nói là lỗ nặng, nhưng khi cán bộ tín dụng tìm đến nhà thì không thấy hoặc đang ở trên biển.
Thậm chí, việc duy trì liên lạc với chủ tàu rất khó khăn do nhiều chủ tàu đi biển dài ngày, nhiều tàu không lắp đặt hoặc tự ý ngắt thiết bị định vị vệ tinh. Đã có nhiều trường hợp, ngân hàng liên hệ với các trạm quản lý thông tin gần bờ nhằm xin thông tin, hỗ trợ cho công tác quản lý giám sát của ngân hàng (bởi con tàu chính là tài sản đảm bảo tiền vay tại ngân hàng), nhưng các trạm cũng không liên lạc được với tàu.
Vì vậy, hầu hết các khoản nợ tại Agribank phải thực hiện thu nợ theo năm, không thực hiện được theo quý.
Theo đại diện Agribank, Nghị định 67 của Chính phủ chỉ mới ban hành nội dung thực hiện quy trình dự án, nhưng chưa ban hành các chế tài về xử lý sai phạm trong thực hiện dự án, không ban hành cơ chế xử lý đối với các chủ tàu không chấp hành nghiêm chỉnh chính sách của Nhà nước cũng như chấp hành quy trình nghiệp vụ cho vay của ngân hàng, từ đó dẫn đến nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Vì vậy, Agribank đề xuất trong thời gian tới, Nghị định 67 sửa đổi cần đưa ra chế tài về xem xét trách nhiệm của các chủ tàu bằng việc yêu cầu phải có đảm bảo một phần bằng tài sản của gia đình, cá nhân, tránh tình trạng làm được thì không trả nợ, lúc không làm được thì bỏ tàu cho Nhà nước xử lý dẫn đến thất thoát vốn.
Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành vào ngày 7/7/2014 và có hiệu lực từ ngày 25/8/2014 nhằm khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Nghị định 67 đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng cũng bộc lộ nhiều hạn chế cần khắc phục./.

>>> Bình Thuận đề nghị bổ sung thêm 50 tàu cá theo Nghị định 67

>>> Hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ tàu cá hoạt động

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục