Sản phẩm của làng truyền thống thiếu tính toàn cầu

17:51' - 20/10/2015
BNEWS Các sản phẩm của các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam bán trên thị trường vẫn tồn tại nhiều nhược điểm về dáng vóc thuần túy kích thước cồng kềnh.

Hội thảo về phát triển làng nghề truyền thống Hà Nội. Ảnh: Tiến Tuấn/Bnews/TTXVN

Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam không mang tính toàn cầu, chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách quốc tế hay người giàu của Việt Nam.

Đây là đánh giá của ông Fumiko Kato, chuyên gia tư vấn phát triển sản phẩm làng nghề của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại  “Hội thảo và tư vấn sản phẩm nhằm phát triển hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống” do JICA và Sở Công Thương Hà Nội phối hợp tổ chức Hà Nội ngày 20/10.

Ông Fumiko Kato cho biết,  các sản phẩm của các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam bán trên thị trường vẫn tồn tại nhiều nhược điểm. Các sản phẩm thường mang dáng vóc thuần túy, đặc thù văn hóa truyền thống. Nhiều sản phẩm có hình dáng kích thước cồng kềnh gây ra nhiều khó khăn cho du khách muốn mua mang về hay những sản phẩm đó không bắt mắt và phù hợp với văn hóa của họ.

Ông Fumiko Kato nhấn mạnh, sản phẩm thủ công mỹ nghệ muốn phát triển cần tiếp tục duy trì những kỹ thuật đặc trưng của Việt Nam, nhưng song song với đó, các làng nghề cũng phải thiết kế ra những sản phẩm mới phù hợp với thị hiếu của du khách. Điều này sẽ giúp mở rộng đầu ra cho làng nghề.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, bà chủ doanh nghiệp Mão Silk của làng Vạn Phúc, Hà Nội, người vừa được vinh danh là công dân tiêu biểu của Thủ đô chia sẻ, để phát triển sản phẩm bà luôn tìm tòi, đổi mới mẫu mã sản phẩm đáp ứng  với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.

Để sản xuất với số lượng lớn và đảm bảo chất lượng sẽ rất khó nếu sử dụng công nghệ sản xuất truyền thống. Tuy nhiên, để nâng cấp dây truyền sản xuất, ứng dụng máy móc hiện đại hơn lại sợ mất đi bản sắc truyền thống của sản phẩm làng nghề.

Về vấn đề trên, ông Fumiko Kato cho biết, phát triển làng nghề mấu chốt tập trung ở việc thiết kế và ứng dụng của sản phẩm đó trên thị trường. Chúng ta có thể phát triển sản phẩm của làng nghệ dựa trên các kỹ thuật, công nghệ hiện đại nhưng vẫn phải đảm bảo giữ nguyên giá trị truyền thống đặc trưng của sản phẩm. Rõ ràng đây bài toán khó nhưng cần phải thực hiện trong bối cảnh thị trường ngày càng mở rộng.

Bà Haruko Hamada, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty M&D phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thùy Linh/Bnews/TTXVN

Bà Hamada, chuyên gia về phát triển sản phẩm của Nhật Bản cho hay,  các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam nếu chỉ bán ở Nhật thì du khách sẽ không thể biết đến Việt Nam.

Vì vậy, cần phát triển sản phẩm gắn với thương hiệu địa phương. Thương hiệu địa phương sẽ mang lại hiệu quả cộng hưởng như nâng cao hình ảnh địa phương, tăng thêm sức sống cho sản phẩm có sẵn, hiệu quả lớn đối với lĩnh vực du lịch, tạo công ăn việc làm, …

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ về các kinh nghiệm phát triển sản phẩm như yếu tố liên kết giữa các làng nghề, kết nối cung cầu, phát triển thương hiệu.

Ông Nguyễn Xuân Ba, Chủ tịch hiệp hội thủ công mỹ nghệ Hà Nội cho rằng, chính quyền cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại các làng nghề trong việc quảng bá thương hiệu sản phẩm, tổ chức các buổi xúc tiến thương mại tại nước ngoài.

Đặc biệt, cần đưa các nghệ nhân của các làng nghề đi khảo sát, tìm hiểu kinh nghiệm thực tế tại nước ngoài từ đó các nghệ nhân có thể cải thiện sản phẩm của mình đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thùy Linh/ Tiến Tuấn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục