Sạt lở bờ sông, bờ biển ở Bến Tre diễn biến phức tạp

16:19' - 16/10/2017
BNEWS Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã khiến hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển tại Bến Tre ngày càng nghiêm trọng.
Sạt lở bờ sông, bờ biển ở Bến Tre diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa: Trung Kiên/TTXVN

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Bùi Văn Lâm cho biết, khoảng 5 năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã khiến hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển ở địa phương ngày càng nghiêm trọng; gây hư hỏng nhà cửa, công trình, mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ, ảnh hưởng lớn đến đời sống và dân sinh.

Qua thống kê, hiện Bến Tre có khoảng 117,5 km bờ sông bị sạt lở, chủ yếu là các tuyến sông Hàm Luông, Tiền, Cửa Đại, Cổ Chiên, Ba Lai và hai bên bờ sông Mỏ Cày, khu vực Cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách…

Sạt lở đã gây thiệt hại nhiều đoạn đê bao nội đồng, bờ bao cục bộ, đường giao thông nông thôn ở các địa phương trong tỉnh với tổng chiều dài hơn 29 km, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân cũng như cơ sở hạ tầng thiết yếu khi có lũ, triều cường.

Tại Bến Tre còn có trên 19 km bở biển bị sạt lở, làm mất khoảng 200 ha đất và 54 ha rừng phòng hộ thuộc 3 huyện ven biển là Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú; gây hư hại về nhà ở và các công trình phục vụ dân sinh.

Đáng chú ý, trong số 19 km bờ biển bị sạt lở có một số khu vực đang sạt lở đặc biệt nguy hiểm như: bờ biển thuộc khu vực Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri; bờ biển thuộc khu vực Cồn Bửng, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú; bờ biển thuộc khu vực xã Thừa Đức, huyện Bình Đại.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre, sạt lở bờ biển gây mất đất, mất rừng phòng hộ. Đây là những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến an toàn các tuyến đê biển và khả năng phòng, chống bão, áp thấp nhiệt đới đe dọa tính mạng, tài sản của nhiều người dân, cơ sở hạ tầng trọng yếu khu vực ven biển.

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho hay, để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở; tăng cường thông tin, cảnh báo các khu vực đã, đang và có nguy cơ sạt lở; thực hiện chương trình bố trí dân cư, hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn.

Địa phương cũng thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện, vật tư… để xử lý, gia cố tạm thời nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sạt lở gây ra.

Tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan và địa phương tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp phòng, chống sạt lở trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tỉnh triển khai đầu tư xây dựng một số công trình khắc phục sạt lở như: đường vành đai ven biển Bảo Thuận, Tân Thủy, An Thủy; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ bố trí sắp xếp dân cư vùng kinh tế mới Cồn Nhàn, Cồn Ngoài và một số công trình kè chống xói lở bờ sông.

Do nguồn lực của tỉnh còn khó khăn dẫn đến việc đầu tư xây dựng các công trình khắc phục sạt lở thời gian qua hầu hết chỉ là giải pháp tình thế; chủ yếu là thực hiện các biện pháp gia cố, xử lý tạm thời nhằm hạn chế thiệt hại.

Về lâu lài, trước tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng, Bến Tre cần được Trung ương hỗ trợ cả về kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện các biện pháp phù hợp, căn cơ nhằm khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục