Phòng chống lũ quét và sạt lở đất để phát triển bền vững

15:19' - 14/10/2017
BNEWS Ngày 14/10, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo “Sạt lở đất – lũ quét và giải pháp cho sự phát triển bền vững”.
Ngày 12/10, nước sông Đáy dâng cao khiến nhiều nhà dân tại xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, Nam Định bị ngập từ 1-2m. Ảnh: Công Luật-TTXVN

Hội thảo diễn ra sau tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, gây thiệt hại to lớn về người và tài sản.

Theo thống kê từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ năm 2000 đến năm 2015, cả nước đã ghi nhận trên 250 đợt lũ quét, sạt lở đất, làm chết và mất tích hơn 600 người, trên 9.700 ngôi nhà bị hư hỏng; nhiều công trình dân sinh, giao thông, thủy lợi bị hư hại; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 3.300 tỷ đồng.

Riêng đợt mưa lũ lịch sử diễn ra đầu tháng 10/2017 đã làm hơn 50 người thiệt mạng, nâng tổng số người chết do sạt lở đất, lũ quét từ đầu năm 2017 đến nay lên trên 100 người.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đinh Quế Hải cho biết, vùng dân tộc thiểu số, miền núi là địa bàn thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là sạt lở đất, lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước thường xuyên quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai; ban hành nhiều chương trình, chính sách phòng chống và giảm nhẹ thiên tai cũng như các chính sách hỗ trợ, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên, do mức độ nguy hiểm của thiên tai đồng thời do khả năng phòng chống của các công trình nhà ở của người dân còn hạn chế nên hầu như năm nào vùng dân tộc thiểu số, miền núi cũng có người bị chết do sạt lở đất, lũ quét, kèm theo là tài sản, tư liệu sản xuất, lương thực, thực phẩm của người dân bị phá hủy.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Mạnh Lợi, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, lũ quét, sạt lở đất không chỉ gây hậu quả to lớn, lâu dài về người, tài sản mà còn làm suy giảm sự phát triển của đất nước.

Ngoài yếu tố tự nhiên, tác động của con người là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này: phá rừng đầu nguồn; khai thác khoáng sản, lâm sản tràn lan; xây dựng công trình hạ tầng không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường…

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Mạnh Lợi, để giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng tránh lũ quét, sạt lở đất.

Ngoài ra, các địa phương cần chủ động rà soát, di dời các hộ dân sống ở nơi nguy hiểm đến nơi an toàn, xây dựng đề án ổn định dân cư.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày các kết quả nghiên cứu, phân tích, ứng dụng vào thực tiễn liên quan đến sạt lở đất, lũ quét; ảnh hưởng của tình trạng này đến đời sống của đồng bào tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi; những dự án điển hình đã áp dụng xử lý phòng chống và khắc phục sạt trượt tại Hà Giang, Hòa Bình; những kinh nghiệm xử lý trượt đất và lũ quét của Nhật Bản, giải pháp vận dụng cho phù hợp với Việt Nam.

Các đại biểu nhấn mạnh, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong phòng, chống thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét; tăng cường nguồn lực từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho vấn đề này.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục người dân trong vùng bị ảnh hưởng về các biện pháp cơ bản phòng chống lũ quét, sạt lở đất để giảm thiểu tối đa thiệt hại, kết hợp sinh kế bền vững gắn với bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ tại một số khu vực trọng yếu./.

Xem thêm:

>>>Đã khắc phục xong 2 điểm sạt lở nguy hiểm trên Quốc lộ 27

>>>Khắc phục sự cố sạt lở bể chứa trạm bơm Gia Viễn, Ninh Bình do mưa lũ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục