Sửa đổi Luật Đầu tư công để gỡ khó cho các bộ, ngành và địa phương

11:19' - 22/03/2018
BNEWS Một trong những lý do quan trọng là để khắc phục những vướng mắc trong triển khai Luật Đầu tư công, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành và địa phương.
Luật Đầu tư công cần thiết phải được nghiên cứu, sửa đổi. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc ban hành Luật Đầu tư công đã tạo ra công cụ quan trọng để bảo đảm việc quản lý đầu tư công được công khai, minh bạch, góp phần tích cực chống thất thoát, lãng phí; đồng thời, cũng là căn cứ pháp lý để tăng cường phòng chống tham nhũng, khắc phục tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu trong quản lý đầu tư công.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ban soạn thảo, Luật Đầu tư công là một bộ luật rất mới, sau 3 năm triển khai đã đạt được kết quả ban đầu khá tích cực nhưng vẫn cần thiết phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vì nhiều lý do. 
Một trong những lý do quan trọng được ban soạn thảo đề cập chính là để khắc phục những vướng mắc trong triển khai Luật Đầu tư công, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành và địa phương. 
Theo đó, trong quá trình triển khai Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho bộ, ngành và địa phương. Cụ thể, một số quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công như việc điều chỉnh giữa các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, chưa thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan, chưa thống nhất với các quy định khác tại Luật và chưa phù hợp với thực tế. 
Một trong những mục tiêu cơ bản của việc sửa đổi Luật Đầu tư công, theo ban soạn thảo là nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa các luật quản lý đầu tư công, đặc biệt giữa Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đất đai. 
Bên cạnh đó nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí, dàn trải và đảm bảo tính minh bạch, công khai trong hoạt động đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước. 
Dự kiến, dự thảo Luật sẽ điều chỉnh theo 3 nhóm vấn đề chính. Theo đó, nhóm vấn đề thứ nhất nhằm giải quyết những vướng mắc phát sinh liên quan đến tiêu chí phân loại, thẩm quyền ra quyết định, các điều chỉnh đối với chương trình- dự án đầu tư công được các bộ, ban ngành và địa phương phản ánh. 
Xuất phát từ những bất cập trong thực hiện Luật Đầu tư công, nội dung điều chỉnh trong dự thảo sẽ bao gồm một số vấn đề như: Về xây dựng quy trình kế hoạch phù hợp với nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước; Về phân loại dự án đầu tư có cấu phần xây dựng; Về tiêu chí phân loại dự án nhóm A; Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm A sử dụng vốn cân đối ngân sách địa phương… 
Tiếp đến là đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Đầu tư công và các luật chuyên ngành có liên quan; trong đó có một số nội dung quan trọng như Thống nhất giữa kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Luật Đầu tư công và kế hoạch tài chính 5 năm theo Luật Ngân sách nhà nước và nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. 
Bên cạnh đó, là nhóm vấn đề nâng cao hiệu quả công tác lập, thẩm định và quyết định chủ chương đầu tư, quyết định đầu tư, theo dõi- giám sát trong hoạt động đầu tư công…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục