Tác động tức thời của cải cách thuế ở Mỹ đến Trung Quốc có thể là hạn chế

20:44' - 12/12/2017
BNEWS Dự luật cắt giảm thuế đang được Quốc hội Mỹ tranh luận có thể là cải cách thuế lớn nhất trong ba thập niên và gây lo ngại cho các nhà kinh tế và các doanh nhân Trung Quốc về tác động tiềm năng của nó.

Mặc dù tác động ngay lập tức được cho là hạn chế, nhưng sẽ vẫn cần thận trọng.

Tác động tức thời của cải cách thuế ở Mỹ đến Trung Quốc có thể là hạn chế. Ảnh minh họa: EPA

Có một điều rõ ràng là việc Mỹ cắt giảm thuế sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch của Trung Quốc trong việc giảm chi phí của doanh nghiệp, mở cửa thị trường hơn nữa và tiếp tục cải cách tài chính.

Thượng viện Mỹ ngày 2/12 đã thông qua dự luật mà đảng Cộng hòa đề xuất, trong đó điểm chính là việc cắt giảm mạnh thuế doanh nghiệp, từ 35% xuống 20%, mức thấp nhất trong ba thập niên.

Thuế thu nhập cá nhân sẽ được giảm, hệ thống thuế sẽ được đơn giản hóa và thuế một lần ở mức thấp hơn với các công ty Mỹ chuyển nhượng tài sản ở nước ngoài.

Hạ viện đã thông qua một dự luật cải cách thuế riêng vào tháng trước, với những khác biệt lớn so với dự luật của Thượng viện. Hiện các nghị sỹ Cộng hòa đang thống nhất về một dự luật cuối cùng trước Giáng sinh.

Những người chỉ trích cho rằng người được lợi nhất từ dự luật là những cá nhân và doanh nghiệp giàu có nhất, trong khi những người có thu nhập trung bình ban đầu được hưởng mức thuế thấp hơn nhưng sẽ tăng trong vài năm tới.

Một số nhà kinh tế cảnh báo thuế doanh nghiệp ở Mỹ hấp dẫn hơn có thể đặt ra thách thức cho vị thế cạnh tranh của Trung Quốc, vào thời điểm mà chi phí lao động đang tăng lên.

Theo Giám đốc điều hành của Boston Consulting Group, Zhou Yuan, không có gì đáng lo ngại đối với nhiều doanh nghiệp lựa chọn khởi nghiệp ở Mỹ, khi ngoài thuế ra còn nhiều yếu tố, bao gồm chi phí toàn diện, đang tạo nên môi trường kinh doanh ở Mỹ.

Dự luật sẽ giảm thuế với những doanh nghiệp Mỹ chuyển lợi nhuận từ nước ngoài về nước và miễn thuế với cổ tức nhận được từ các công ty nước ngoài.

Điều này gây lo ngại về việc dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc.

Theo Giáo sư Zhu Qing tại Trường Tài chính thuộc Đại học Renmin Trung Quốc, cùng với tác động từ việc cắt giảm thuế, chính sách này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài chuyển lợi nhuận về nước, dẫn tới làn sóng hồi hương lợi nhuận.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhấn mạnh rằng, tác động có thể hạn chế khi những nỗ lực của Trung Quốc trong việc giảm chi phí của doanh nghiệp và tạo môi trường kinh doanh công bằng sẽ thu hút các doanh nghiệp nước ngoài nhiều hơn.

Trung Quốc đã tiến hành một loạt các biện pháp nhằm nới lỏng hoặc dỡ bỏ các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài tại thị trường tài chính nước này.

Trong động thái mới nhất, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được phép sở hữu tới 51% cổ phần trong liên doanh về chứng khoán, các quỹ và mức trần này sẽ được bỏ dần trong ba năm.

Phát biểu tại một diễn đàn gần đây, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao cho rằng những ảnh hưởng từ sự thay đổi chính sách thuế ở nền kinh tế lớn nhất thế giới là không thể xem nhẹ.

Ông nói Trung Quốc nên chủ động đối phó với sự thay đổi đó, đưa ra các chính sách phù hợp với các nước khác để thúc đẩy năng suất lao động và tăng thu nhập cho người dân.

Theo người đứng đầu Viện Khoa học tài chính Trung Quốc, Liu Shangxi, nước này nên tiến hành cải cách thuế giá trị gia tăng (VAT) sau khi Mỹ cải cách thuế. Ông cho rằng cần đồng bộ thuế VAT để khuyến khích cạnh tranh công bằng.

Là cải cách thuế lớn nhất trong hai thập niên, VAT đang thay thế thuế doanh nghiệp sau 60 năm thực hiện, tránh đánh thuế trùng lặp.

VAT được thí điểm ở Thượng Hải vào năm 2012 và được nhân rộng ra cả nước vào tháng 5/2016.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục