Tái đàm phán NAFTA: Những vấn đề gai góc bị gác lại đến tháng 1/2018

17:49' - 16/12/2017
BNEWS Trưởng đoàn đàm phán Mexico Ken Smith cho biết các cuộc thương lượng không tập trung nhiều về vấn đề ô tô.
Những vấn đề gai góc trong cuộc đàm phán về NAFTA bị gác lại đến tháng 1/2018. Ảnh minh họa: TTXVN

Các nhà đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Canada, Mỹ và Mexico trong tuần này đã đạt một số tiến triển trong những vấn đề ít gây tranh cãi như các vấn đề kỹ thuật và các lĩnh vực như tiêu chuẩn môi trường, thương mại số, năng lượng, viễn thông và thực thi quy định; trong khi chưa đề cập sâu đến các vấn đề gay góc nhất như ô tô, giải quyết tranh chấp và điều khoản hết hiệu lực của thỏa thuận, mà để lại cho cuộc đàm phán vào tháng 1/2018 tại Montreal. 

Trưởng đoàn đàm phán Mexico Ken Smith cho biết các cuộc thương lượng không tập trung nhiều về vấn đề ô tô. Trong khi đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer một lần nữa bày tỏ sự thất vọng khi Canada và Mexico không chấp nhận yêu cầu của ông về ô tô và các lĩnh vực khác để tái cân bằng thỏa thuận nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. 

Theo chuyên gia về thương mại Gary Hufbauer tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, Mexico và Canada không thể chấp nhận yêu cầu của chính quyền Tổng thống D.Trump về ô tô, về ý tưởng NAFTA tự động hết hạn nếu không được tái đàm phán sau 5 năm, hay việc hủy bỏ hệ thống giải quyết tranh chấp chủ yếu bảo vệ các nước này trước việc bị đánh thuế chống bán phá giá tại Mỹ. Ông cho rằng nếu không có những nhượng bộ tại cuộc thương lượng ở Montreal, Tổng thống Donald Trump sẽ có nhiều khả năng thông báo rút Mỹ ra khỏi NAFTA. 

Trong khi đó, theo một khảo sát của Cơ quan tín dụng xuất khẩu của Canada (EDA) mới công bố, gần 1/4 số doanh nghiệp xuất khẩu nước này cho rằng cuộc tái thương lượng căng thẳng về NAFTA đang ảnh hưởng đến các hoạt động của họ. EDA cho rằng các nhà xuất khẩu Canada có nhiều lý do để lo ngại và thay đổi chiến lược kinh doanh. 

Khảo sát cho thấy, 23% số doanh nghiệp Canada cho biết họ có cảm nhận tiêu cực về các cuộc tái thương lượng về NAFTA. Trong tình hình hiện nay, 26% số doanh nghiệp đang lên kế hoạch thay đổi một phần hoạt động của họ; gần 25% số doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và đầu tư ra ngoài Bắc Mỹ, trong khi 14% trì hoãn các kế hoạch đầu tư. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục