Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ cam kết sản xuất có trách nhiệm và bền vững

22:15' - 28/05/2025
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 28/5, tại Jakarta, Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ (CPOPC) công bố chính thức chuyển giao ban lãnh đạo điều hành nhiệm kỳ 2025-2028.

Sự chuyển giao này đánh dấu một giai đoạn mới trong cam kết chiến lược của CPOPC nhằm tăng cường tính bền vững, công bằng và hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực dầu cọ.

 

Ban lãnh đạo CPOPC nhiệm kỳ mới gồm: bà Izzana Salleh, Tổng thư ký, Ủy viên Hội đồng quản trị của Hội đồng Dầu cọ Malaysia (MPOC) đồng thời đảm nhiệm vai trò lãnh đạo tại các cơ quan và công ty hàng đầu của Malaysia; và Tiến sĩ Musdhalifah Machmud, Phó Tổng thư ký CPOPC, chuyên gia chính sách người Indonesia từng có bề dày làm lãnh đạo tại Bộ điều phối các vấn đề kinh tế của Indonesia trước đây và là đại diện của Indonesia trong các sáng kiến toàn cầu lớn.

Ngành công nghiệp dầu cọ là một trong những trụ cột kinh tế quan trọng của khu vực Đông Nam Á, đặc biệt tại Indonesia và Malaysia, hai quốc gia chiếm khoảng 85% sản lượng dầu cọ toàn cầu. Cả Indonesia và Malaysia đang đẩy mạnh chuỗi giá trị gia tăng thông qua sản xuất các sản phẩm chế biến sâu như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và nhiên liệu sinh học.

Tổng thư ký CPOPC, bà Izzana Salleh đã gửi thông điệp nhấn mạnh CPOPC sẽ nỗ lực để đảm bảo dầu cọ được sản xuất một cách có trách nhiệm và bền vững, được công nhận trên toàn cầu như một động lực hỗ trợ sinh kế, đóng góp vào an ninh lương thực và năng lượng và thúc đẩy hành động thực sự vì môi trường.

Tiến sĩ Musdhalifah Machmud, Phó Tổng thư ký CPOPC, cho biết, chiến lược của CPOPC trong tương lai bao gồm: thứ nhất, tiếp tục hợp tác với các quốc gia sản xuất dầu cọ, thực hiện những biện pháp nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về dầu cọ như một sản phẩm bền vững.

Thứ hai, thúc đẩy sản xuất dầu cọ không chỉ dựa trên việc mở rộng đất trồng cọ mà còn là tăng sản lượng những cây trồng khác trong khu vực canh tác.

Thứ ba, thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc tế, tăng cường nhận thức của giới trẻ về lợi ích của dầu cọ đối với sức khỏe; kết nối lợi ích của người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ quyền của những người nông dân nhỏ và thúc đẩy tính bền vững.

Thực tế hiện nay, các yếu tố như biến đổi khí hậu, chi phí sản xuất tăng và chính sách môi trường quốc tế tiếp tục là thách thức đối với ngành dầu cọ khu vực. Quy định chống phá rừng của EU (EUDR) yêu cầu các nhà xuất khẩu chứng minh sản phẩm không liên quan đến phá rừng, đã gây khó khăn cho các nhà sản xuất nhỏ lẻ và ảnh hưởng đến việc xuất khẩu mặt hàng này sang châu Âu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục