Trước sóng gió thị trường, nhiều nhà bán lẻ Mỹ tính chuyện trở thành công ty tư nhân

16:23' - 28/05/2025
BNEWS Các nhà bán lẻ chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do chính sách thuế quan thay đổi liên tục của Tổng thống Trump, và họ thất vọng vì không thể đưa ra dự báo lợi nhuận.
Hội đồng quản trị và chủ sở hữu của các nhà bán lẻ, những đơn vị có cổ phiếu chịu tác động mạnh bởi cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đang cân nhắc các đề nghị bán lại, nhằm thoát khỏi sự hỗn loạn của thị trường trong những tháng gần đây.

Sau thương vụ 3G Capital mua lại hãng sản xuất giày thể thao Skechers để hủy niêm yết vào đầu tháng này, giới chuyên gia dự đoán nhiều nhà bán lẻ khác cũng sẽ sớm đạt được thỏa thuận tương tự để trở thành công ty tư nhân, đặc biệt nếu Tổng thống Trump không sớm ổn định chính sách thương mại. Nhận định này được đưa ra sau các cuộc phỏng vấn với 10 chuyên gia ngân hàng đầu tư và luật sư chuyên về mua bán và sáp nhập (M&A).

Các nhà bán lẻ chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề do chính sách thuế quan thay đổi liên tục của Tổng thống Trump, và họ thất vọng vì không thể đưa ra dự báo lợi nhuận.

 
Theo hai nguồn tin thân cận, hãng Skechers đã đàm phán với công ty đầu tư 3G Capital từ lâu trước khi giá trị thị trường của hãng bắt đầu lao dốc từ mức cao kỷ lục khoảng 11,85 tỷ USD vào ngày 30/1 – một ngày trước khi Nhà Trắng công bố vòng thuế quan đầu tiên đối với Trung Quốc.

Hàng loạt thông báo thuế quan đã khiến giá trị của Skechers giảm xuống còn khoảng 7,4 tỷ USD vào cuối tháng Tư. Hãng Skechers, vốn sản xuất phần lớn hàng hóa tại Trung Quốc và Việt Nam, đã rút lại dự báo lợi nhuận năm 2025, do bất ổn kinh tế vĩ mô xuất phát từ các chính sách thương mại toàn cầu.

Các nguồn tin yêu cầu giấu tên cho biết, tình hình hỗn loạn do thuế quan gây ra đã khiến ý tưởng hủy niêm yết trở nên hấp dẫn hơn đối với gia đình Greenberg, vốn sở hữu phần lớn cổ phần của Skechers.

Vào ngày 5/5, Skechers đã công bố kế hoạch bán lại cho công ty đầu tư 3G Capital trong một thương vụ trị giá khoảng 9,4 tỷ USD. Việc bán cho một công ty tư nhân như 3G Capital sẽ loại bỏ cổ phiếu của Skechers khỏi các sàn giao dịch chứng khoán, qua đó giúp bảo vệ thu nhập và giá trị của Skechers khỏi sự giám sát của công chúng lẫn những biến động thị trường khó lường.

Theo các nguồn tin, nhiều nhà bán lẻ khác cũng đang trong quá trình đàm phán để bán lại cho các công ty đầu tư và các doanh nghiệp khác.

Ông Kurt Anthony, người đứng đầu bộ phận ngân hàng đầu tư tiêu dùng và bán lẻ khu vực châu Mỹ tại ngân hàng UBS, nhận định sự bất ổn, biến động và những thay đổi vĩ mô đã khiến các thành viên hội đồng quản trị bắt đầu cân nhắc liệu việc quản lý doanh nghiệp dưới dạng tư nhân có tốt hơn không. Với sự lựa chọn này, họ sẽ không phải báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý ra công chúng và có thể tự kiểm soát các quyết định về hoạt động, tài chính cũng như phân bổ vốn.

Theo các chuyên gia, ít có ngành nào chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách áp thuế hàng nhập khẩu hơn các nhà bán lẻ, khi nhiều doanh nghiệp sản xuất phần lớn hàng hóa ở nước ngoài và đã phải rút lại dự báo lợi nhuận do chính sách đối ngoại thất thường.

Ông Jamie Salter, Giám đốc điều hành của tập đoàn phát triển thương hiệu Authentic Brands Group, chia sẻ rằng nhiều CEO đã bày tỏ rằng họ mệt mỏi và có lẽ đã đến lúc họ đưa doanh nghiệp của họ từ công ty đại chúng, niêm yết trên sàn chứng khoán về dạng công ty tư nhân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục