Tầm nhìn nào cho ngành nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long?

17:14' - 10/10/2017
BNEWS Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ nhằm tránh hạn mặn cuối vụ Đông Xuân và đầu vụ Hè Thu ở các khu vực ven biển, thu hẹp lúa Xuân Hè và tăng vụ Thu Đông.
Nhiều nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long vật lộn giữa mùa hạn mặn. Ảnh minh họa: TTXVN
Đứng đầu cả nước về sản lượng lương thực, trái cây và thủy sản, vùng Đồng bằng sông Cửu Long góp phần quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, với phương thức phát triển đã lỗi thời, những thách thức phát triển kinh tế - xã hội, tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng ngoại biên đang đặt ra yêu cầu phải có một tầm nhìn mới để định hướng chuyển đổi quy mô cho phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo bền vững.

Các vùng đất ngập nước chiếm một diện tích lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những hệ sinh thái tự nhiên phong phú nơi đây. Những hệ sinh thái này cũng rất nhạy cảm và dễ bị tác động về môi trường. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long, diễn biến phức tạp và nhanh hơn khiến các nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng tiếp tục bị suy giảm, an ninh nguồn nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, GS. Võ Tòng Xuân, Đại Học Nam Cần Thơ chỉ ra, chắc chắn 2 thực tế là nước ngọt đang giảm mạnh và không có nguồn nào thay thế. Trong khi đó, nước mặn có thể dâng cao hơn; đất đai xói mòn; diện tích mất dần cho xây dựng đô thị và công nghiệp. Bên cạnh đó, cung cầu thị trường nông sản biến động với những yêu cầu mới càng đặt ra vấn đề phải chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp vùng sản xuất trọng điểm này. Tuy nhiên, việc chuyển đổi ở các địa phương cũng như người dân đều tỏ ra lúng túng và không biết phải "phá vỡ" quán tính sản xuất cũ như thế nào.

Đổi mới mô hình tổ chức lãnh thổ phát triển nông nghiệp đòi hỏi tầm nhìn dài hạn dựa vào đặc trưng sinh thái của vùng theo hướng nâng cao chất lượng, lựa chọn sản phẩm giá trị cao trên cơ sở áp dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các địa phương tích cực chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn khác với mục tiêu tăng tính linh hoạt của đất lúa. Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các ngành đều rà soát và điều chỉnh các quy hoạch vùng theo các định hướng sinh kế chuyển đổi bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu cung cầu thị trường trong nước và quốc tế để xác định hướng điều chỉnh quy hoạch các ngành hàng chiến lược theo hướng tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, tăng diện tích cây ăn trái, tăng sản lượng chăn nuôi, phục hồi và phát triển rừng ngập mặn, ngập lợ, giảm diện tích lúa 3 vụ.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ nhằm tránh hạn mặn cuối vụ Đông Xuân và đầu vụ Hè Thu ở các khu vực ven biển, thu hẹp lúa Xuân Hè và tăng vụ Thu Đông. Kết quả là diện tích lúa Xuân Hè đã giảm khoảng 30.000 ha, diện tích lúa Thu Đông tăng từ 472.000 ha năm 2005 lên 824.000 ha vào năm 2016.

Đối với ngành thủy sản cũng đã có những giải pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu như: rà soát, điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp của mỗi vùng; kịp thời hướng dẫn người nuôi cải tạo ao đầm, thả giống cỡ lớn sau để rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao hiệu quả. Đặc biệt, đến nay đã có nhiều mô hình phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu như: tôm lúa, tôm rừng tại vùng ven biển, tạo sinh kế ổn định cho người dân. Cùng với đó là những mô hình sản xuất thâm canh ứng dụng công nghệ cao để tránh tác động lại và ảnh hưởng đến môi trường.

Việc quy hoạch lại hệ thống thủy lợi phù hợp với cơ chế giữ lũ, ngăn mặn linh hoạt hơn và phục vụ nhiều hệ thống canh tác khác nhau, đặc biệt là thủy sản và trái cây.

Tuy nhiên, để sản xuất hiệu quả, sản phẩm chất lượng thì khâu tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị nông sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lại đang là một nút thắt lớn. Theo TS. Hoàng Ngọc Phong, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, hơn bao giờ hết mô hình cơ chế, liên kết chuỗi, liên kết vùng trở nên bức thiết. Đến nay, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chiếm dưới 1% tổng vốn mà họ đã đầu tư. Đây được xem như chưa thành công của chính sách liên kết doanh nghiệp với nông nghiệp. Trách nhiệm của nhà nước là cần có chính sách để thúc đẩy, khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp tăng lên trong những năm tới.

Ông Võ Tòng Xuân nhìn nhận, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay còn để nông dân làm ăn cá thể, đất đai manh mún, tự do nuôi trồng không có tổ chức tức là còn sống trong thời kỳ tự cung tự cấp, nông dân vẫn nghèo muôn thuở. Sử dụng nước ngọt một cách không hiệu quả là làm nghèo xã hội và cạn nhanh ngân sách. Doanh nghiệp với công nghệ chế biến sản phẩm bằng nguyên liệu không truy suất được nguồn gốc là còn dung túng cho sản xuất không trách nhiệm, lừa gạt người tiêu dùng, xâm hại uy danh của doanh nghiệp và quốc gia.

"Do đó, trước hết nên cần xác định cây gì, con gì và thị trường cần. Chọn ra một số cây, con chiến lược có giá trị cao, không cần nhiều nước ngọt, có thể sử dụng nước mặn. Không chọn cây trồng sử dụng quá nhiều nước ngọt đắt tiền nhưng giá trị thương mại lại rất thấp (chủ yếu là cây lúa). Trong quá trình chọn lựa cây, con, cần thiết phải có các nhà doanh nghiệp tham gia từ đầu, vì họ là người sau cùng sẽ đầu tư sản xuất nguyên liệu và chế biến thành các mặt hàng cung cấp cho thị trường.", ông Võ Tòng Xuân bày tỏ.

Ông cũng cho biết, vùng sản xuất được quy hoạch phải có công nghiệp phụ trợ kèm theo. Có nhà máy chế biến hoặc bảo quản trong các khâu sản xuất nông thủy sản, vùng cây ăn trái và nhất thiết phải có cơ sở logistics hiện đại.

Cùng chung quan điểm này, ông Hoàng Ngọc Phong cũng cho rằng, chuyển đổi mô hình phát triển bền vững là xây dựng hạ tầng kết nối đồng bộ với các công trình mang tính động lực theo hướng đồng bộ đa mục tiêu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, trong thời gian tới, Đồng bằng sông Cửu Long phải tập trung toàn lực giữa nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để thực hiện chiến lược phát triển vùng trong bối cảnh biến đổi khí hậu nhằm thích ứng tối đa dựa trên tiềm lực thực tế. Theo đó, chú trọng quy hoạch từng bước, khoanh vùng từng vấn đề cần giải quyết trong cả 3 khu vực thượng - trung - hạ của khu vực. Bên cạnh đó, giảm thiểu tối đa khai thác nước ngầm, thay thế bằng xây hồ trữ nước mưa và lấy nước mặt; chủ động quản lý ô nhiễm nguồn nước, môi trường.

Trong phát triển kinh tế, các địa phương cần tiến hành liên kết sản xuất chặt chẽ giữa nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và thị trường tiêu thụ; gắn liền tác động kinh tế với chuyển biến xã hội; phát triển văn minh theo đúng quy luật và xu hướng của thị trường.

Đặc biệt, phải sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên đất, nước, cát và lao động; tận dụng sức mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kết hợp với phát triển các kiến thức truyền thống để nâng cao giá trị và tạo đột phá cho phát triển nông nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục