Tập đoàn đa quốc gia Mỹ rút khỏi Venezuela

13:39' - 11/07/2016
BNEWS Ngày 10/7, tập đoàn đa quốc gia Mỹ chuyên sản xuất sản phẩm vệ sinh Kimberly-Clark tuyên bố ngừng mọi hoạt động tại Venezuela do điều kiện kinh doanh “tồi tệ” ở nước này.
Tập đoàn đa quốc gia Mỹ Kimberly-Clark tuyên bố ngừng mọi hoạt động tại Venezuela. Ảnh: Reuters

Thông cáo của Kimberly-Clark nêu rõ tình trạng khan hiếm ngoại tệ ở Venezuela để nhập khẩu nguyên liệu sản xuất cũng như tình trạng lạm phát cao đã khiến tập đoàn này không thể tiếp tục kinh doanh. Kimberly-Clark hiện sản xuất tã giấy, giấy vệ sinh và các sản phẩm vệ sinh cá nhân khác ở Venezuela.

Quyết định của Kimberly-Clark, tập đoàn đã có mặt tại Venezuela từ cách đây hai thập kỷ, đã khiến hàng nghìn nhân công của các nhà máy này tại Venezuela bị mất việc làm.

Từ năm 2003, Chính phủ Venezuela đã giám sát chặt chẽ thị trường ngoại hối cũng như việc mua ngoại tệ khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong khâu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Nhiều công ty nước ngoài đã buộc phải gián đoạn hoặc ngừng vận hành các nhà máy.

Hãng Coca Cola đã không hoạt động trong cả tháng Năm do thiếu đường, trong khi các tập đoàn Kraft Heinz và Clorox mới đây cũng ngừng sản xuất.

Mới đây, nhiều hãng hàng không lớn như Lufthansa của Đức và Latam (liên doanh giữa Chile và Brazil và là hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh) đã quyết định dừng các chuyến bay tới Venezuela.

Trong khi đó, AeroMexico của Mexico cũng xem xét khả năng rút khỏi thị trường Venezuela, khi chính phủ quốc gia Nam Mỹ này không cho phép hãng chuyển tiền về nước. Hiện Venezuela đang nợ các hãng hàng không trên thế giới 800 triệu USD.

Khó khăn chồng khó khăn đối với Caracas khi ngành dầu mỏ của Venezuela sa sút đúng lúc nền kinh tế nước này đang lâm vào suy thoái nghiêm trọng.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ ngoại tệ của Venezuela năm 2015 giảm còn 15 tỷ USD so với 29 tỷ USD năm 2012, nợ nước ngoài lên tới 250 tỷ USD, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm tới 6%, bội chi ngân sách tương đương từ 18-20% GDP, tỷ lệ lạm phát là 180,9% và con số này được dự báo sẽ lên đến 700% trong năm nay. Khan hiếm hàng hóa ở mức 80%.

Tổng thống Nicolás Maduro tố cáo phe đối lập và giới tư sản mại bản gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay ở nước này thông qua một cuộc “chiến tranh kinh tế”.

>>> Venezuela: Nguồn thu dầu mỏ giảm 40%

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục