Thách thức trong phát triển đô thị

18:25' - 06/02/2018
BNEWS Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình đô thị hoá do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Thách thức trong phát triển đô thị. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Chiều 6/2, Đại sứ quán Hà Lan đã tổ chức Hội thảo "Những thách thức trong phát triển đô thị và nền kinh tế tuần hoàn". Đây là dịp để các chuyên gia chia sẻ kiến thức trong phát triển đô thị cũng như cơ hội hợp tác kinh doanh giữa Hà Lan và Việt Nam.

Chủ tịch phòng thương mại Hà Lan, VNO-NCW, ông Hans de Boer chia sẻ, hiện nay, 54% dân số toàn cầu sống trên đô thị. Và đến năm 2030 sẽ có hơn 40 siêu đô thị trên thế giới, kèm với đó là thách thức về dân số...

Trong khi đó, sự phát triển bền vững của cơ sở hạ tầng, chia sẻ kinh nghiệm là rất quan trọng. Từ đó, giúp xây dựng và tạo sự phát triển bền vững trong tương lai.

"Hà Lan không có siêu đô thị nào, là một trong những nước có mật độ dân số cao nhất thế giới; đặc biệt Hà Lan là nước nằm dưới mực nước biển, do đó, các trường Đại học, viện nghiên cứu đã tạo ra các giải pháp thích ứng trong phát triển đô thị" - ông Hans de Boer cho biết.

Theo ông Hans de Boer, qua Hội thảo này ông mong muốn các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức trong phát triển đô thị, đồng thời đây là cơ hội hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Hà Lan.

Bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng, tỉ lệ đô thị hoá tăng từ 19,6% với 629 đô thị (năm 2009) lên khoảng 37,5% với 813 đô thị (năm 2017). Khu vực đô thị đóng góp hơn 70% GDP, mang lại nhiều giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ và có tác dụng lan toả thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng trong cả nước.

Tuy nhiên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình đô thị hoá do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Cụ thể, các đô thị Việt Nam đã và đang đối mặt với tình hình biến đổi khí hậu có diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, mức độ ảnh hưởng ngày càng nặng về ở các vùng miền trên cả nước. Đồng thời, sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới ngày càng tăng trong thế giới phẳng và kết nối toàn cầu. Đó là những thách thức đòi hỏi cần có sự kết hợp giữa các quốc gia để cùng chung tay giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, sự phát triển của hệ thống đô thị Việt Nam cũng đang có những tồn tại: Đối với đô thị lớn, tốc độ phát triển quá nhanh đã gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong quản lý, điều hành và cung cấp các dịch vụ, phát triển thiếu đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; định cư thiếu kiểm soát, liên kết đô thị - nông thôn chưa bền vững. Mặt khác, các đô thị vừa và nhỏ chiếm đến 80% tổng số đô thị.

"Họ đang khá lúng túng trong việc xác định mô hình tăng trưởng của đô thị, nâng cao sức cạnh tranh, tìm kiếm những lợi thế so sánh mới trong điều kiện nguồn lực để phát triển hạn chế, chưa tự chủ được" - bà Linh nói.

TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội cho biết, Hà Nội là một trong các đô thị có tốc độ đô thị hoá rất nhanh do nhu cầu phát triển.

Chỉ trong vòng 8 năm, dân số đô thị tại các quận của Hà Nội đã tăng 21%, từ khoảng 2,7 triệu người năm 2008 lên đến 3,4 triệu người năm 2017. Trong quá trình phát triển, Hà Nội cũng gặp những thách thức như các thành phố đang phát triển khác.

Trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu vốn đầu tư phát triển của Hà Nội cần khoảng 249.315 tỉ đồng; trong đó nhu cầu đầu tư bức thiết là 151.783 tỉ đồng cho các dự án trọng điểm: các tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai, các dự án xử lý môi trường... Trong khi đó, nguồn ngân sách thành phố chỉ cân đối được gần 93.000 tỉ đồng, đáp ứng được 36,4% nhu cầu cấp thiết.

Bên cạnh đó, trong vòng 8 năm kể từ khi mở rộng địa giới, dân số đô thị tại các quận của Hà Nội đã tăng 21% từ hơn 2,7 triệu người năm 2008 lên đến gần 3,4 triệu người năm 2016. Vấn đề này đã gây áp lực rất lớn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật như hệ thống đường giao thông, cấp nước sạch, xử lý chất thải... Ngoài ra, Hà Nội còn chịu áp lực với cơ sở hạ tầng giao thông, ô nhiễm rác thải, phát thải khí nhà kính.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục