Phát triển đô thị từ 6 yếu tố “trụ cột”

11:40' - 27/01/2018
BNEWS Luật quản lý phát triển đô thị đang được nghiên cứu và dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2018 với kỳ vọng giải quyết những bất cập trong phát triển đô thị hiện đại.
Phát triển đô thị từ 6 yếu tố “trụ cột”. Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Luật quản lý phát triển đô thị đang được nghiên cứu và dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2018 với kỳ vọng giải quyết những bất cập trong phát triển đô thị hiện đại.

Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Nguyễn Tường Văn chia sẻ, quản lý phát triển đô thị có tính chất đặc thù riêng nên mặc dù đã có nhiều Luật liên quan đến lĩnh vực này được ban hành như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư… nhưng vẫn tồn tại một số chồng lấn và chưa chặt chẽ. Nhiều quy định chưa theo kịp nhu cầu quản lý phát triển và hội nhập quốc tế.

Các quy định của pháp luật về xây dựng, quy hoạch đô thị, nhà ở và kinh doanh bất động sản không đủ chặt chẽ để điều tiết một cách tổng thể các vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhà ở… Những quy định chặt chẽ để đảm bảo kiểm soát quá trình phát triển đô thị, thanh tra và xử lý vi phạm vẫn còn thiếu.

Mặt khác, quy định của pháp luật về quản lý hành chính còn chưa thể hiện sự khác biệt trong quản lý đô thị và nông thôn. Do vậy, bộ máy quản lý về đô thị còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ cao và quy mô đô thị ngày càng mở rộng.

Do đó, Luật Quản lý phát triển đô thị ra đời được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề cấp bách còn tồn tại, hướng tới phát triển các đô thị hiện đại bền vững trong tương lai. Bộ Xây dựng đã tập trung vào những chính sách, giải pháp phát triển đô thị sẽ được cụ thể hóa trong bộ Luật mới này.

Theo đó, 6 “trụ cột” cơ bản đã được xây dựng; trong đó có việc phát triển đô thị theo định hướng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch. Như vậy, sẽ quản lý hiệu quả quá trình phát triển đô thị theo: định hướng, chiến lược, chương trình; quản lý việc hình thành và phát triển hệ thống đô thị cả nước theo các tiêu trí đánh giá chất lượng, nhằm ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển đô thị.

Cùng đó, yêu cầu đặt ra cho phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ cũng được chú trọng. Đó là phải đảm bảo kết nối hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo chất lượng và tính đồng bộ hạ tầng xã hội.

Việc quản lý đầu tư phát triển đô thị xác định rõ phát triển đô thị phải có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả. Cụ thể là kiểm soát quá trình mở rộng đô thị, phát triển khu đô thị mới; khuyến khích triển khai các dự án cải tạo, tái phát triển đô thị.

Một yếu tố không kém phần quan trọng là phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, xanh, sinh thái. Theo đó, phát triển đô thị phải sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng môi trường đô thị, đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế về cắt giảm phát thải nhà kính; khuyến khích xây dựng đô thị xanh, sinh thái, thông minh, có khả năng chống chịu iến đổi khí hậu.

Đa dạng hóa và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển đô thị cũng là yếu tố được quan tâm đặc biệt. Phát triển đô thị phải xây dựng cơ chế huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội.

Bên cạnh đó, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển đô thị cần được tăng cường; phân định rõ trách nhiệm các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân và khuyến khích sự tham gia cộng đồng cũng như chủ động nâng cao năng lực cán bộ…/.

>>> Tìm giải pháp giảm phát thải khí nhà kính do giao thông đô thị ​

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục