Thay đổi nhận thức trong xây dựng chính sách để tăng khả năng cạnh tranh

15:22' - 02/06/2016
BNEWS TS Nguyễn Đình Cung cho rằng khi xây dựng chính sách, luôn phải đặt câu hỏi chính sách này đặt ra có khuyến khích cạnh tranh, có hạn chế cạnh tranh thị trường hay không.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng VIện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương. Ảnh: CIEM

Kiến nghị trong việc xây dựng chính sách cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian tới, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, có rất nhiều việc phải làm nhưng việc đầu tiên là phải đổi mới tư duy.

Nghĩa là khi xây dựng chính sách luôn phải đặt câu hỏi chính sách này đặt ra có khuyến khích cạnh tranh, có hạn chế cạnh tranh thị trường hay không.

“Nếu hạn chế thì không bao giờ áp dụng, còn nếu áp dụng trong trường hợp rất ít thì phải lý giải được lợi ích mang lại cho xã hội lớn hơn chi phí tạo ra đối với xã hội. Điều đó có lẽ là cốt lõi đầu tiên mà chúng ta phải đặt ra với thay đổi tư duy thì mới thay đổi được hành động và tạo ra những động lực mới để thúc đẩy phân bố lại nguồn lực và bảo vệ tốt hơn lợi ích của người tiêu dung...", TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Theo CIEM, trong giai đoạn 2011-2015, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp để chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường đó là: ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Bên cạnh đó, là cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; phát triển nguồn nhân lực; phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại…

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế; thể chế còn nhiều vướng mắc; còn khoảng cách rất lớn giữa mong muốn và thực tế.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, trong số các nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự yếu kém về khả năng cạnh tranh của nền kinh tế có vấn đề nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn khá mơ hồ và khác biệt.

Đặc biệt là về vai trò của Nhà nước, kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, thị trường, quyền sử dụng đất, quản lý giá cả, phân bổ nguồn lực…

Bên cạnh đó, nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng chưa theo kịp yêu cầu đổi mới về phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Theo các chuyên gia, để tiến tới một nền kinh tế thị trường, Việt Nam cần rà soát các Luật cạnh tranh và các Luật, chính sách khác để đảm bảo các Luật, chính sách này có hiệu quả, đảm bảo mức độ cạnh tranh và đạt được kết quả bền vững, đặc biệt trong bối cảnh khi Việt Nam đang thực hiện tái cơ cấu kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.

Các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng trong số các nền kinh tế tham gia TPP, năng lực cạnh tranh của Việt Nam là thấp nhất, cả về năng lực thể chế lẫn năng lực của doanh nghiệp.

Do đó, Nhà nước cần chú trọng việc xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh nhằm phát huy được hiệu quả việc hội nhập kinh tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách, thực hiện đồng bộ các giải pháp để vận hành thông suốt các loại thị trường (hàng hóa, dịch vụ, tài chính, bất động sản…), tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thuận lợi, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục