Thừa Thiên - Huế có 13 làng nghề tiêu biểu được bảo tồn lâu dài

17:54' - 20/07/2018
BNEWS Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa rà soát các tiêu chí, hiện trạng và quy hoạch bảo tồn phát triển làng nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn.

Theo đó, tỉnh đã lập danh sách 13 làng nghề tiêu biểu để bảo tồn lâu dài.
Đó là làng nghề gốm Phước Tích; làng nghề đệm bàng Phò Trạch; làng nghề rèn Hiền Lương; làng nghề tranh dân gian Làng Sình; làng nghề hoa giấy Thanh Tiên; làng nghề nón lá Mỹ Lam; làng nghề nón lá Thanh Tân; làng nghề nón lá Vân Thê; làng nghề dệt zèng A Đớt; làng nghề dệt zèng A Hưa; làng nghề dệt zèng xã A Roàng; làng nghề dệt zèng thị trấn A Lưới; làng nghề dệt zèng xã A Ngo.
Đáng chú ý, nghề dệt zèng ở A Lưới có tới 5 làng nghề được bảo tồn lâu dài. Mới đây, nghề dệt zèng của đồng bào dân tộc A Lưới được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo nghệ nhân dân gian nghề dệt zèng Hồ Thị Hợp, dệt zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tà Ôi, huyện miền núi A Lưới. Những sản phẩm từ tấm zèng là lễ vật hoặc trang phục không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng hoặc các lễ hội quan trọng của đồng bào vùng cao A Lưới.

Mỗi sản phẩm dệt zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi.
Để tạo nên một tấm zèng đẹp, ngoài sự chuẩn bị nguyên liệu, bao gồm sợi vải, hạt cườm và lục lạc, từ những bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tà Ôi, sự nhẹ nhàng uyển chuyển trên khung dệt và sự khéo léo, tỉ mỉ trong việc đính cườm đã tạo nên những hệ hoa văn độc đáo. Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt zèng được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền; họ tự tìm kiếm nguyên liệu để dệt nên những tấm zèng đa màu sắc, họa tiết hoa văn độc đáo.
Các làng nghề nón là ở Huế có rất nhiều, nhưng tiêu biểu là các làng nghề nón lá Mỹ Lam, Thanh Tân, Vân Thê. Tuy là một vật dụng dùng để che nắng che mưa nhưng nón lá tiêu biểu, gắn với hình ảnh người Việt Nam, tuy không nằm trong những biểu tượng quốc gia nhưng chỉ cần nhìn thấy chiếc nón thì ngay lập tức người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh đất nước Việt Nam.

Ngày nay, các làng nghề nón lá ở thành phố Huế cho ra thị trường hàng triệu chiếc nón, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, mà còn là món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách bốn phương khi đến Huế.
Để có được chiếc nón ưng ý, các nghệ nhân làm nón Huế phải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của người thợ. Từ chọn khung, uốn vành, lợp lá, cắt hoa văn, đến chằm hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản…vì thế, nón Huế rất được nhiều du khách ưu chuộng.
Du lịch phát triển mạnh ở Huế, nón lá trở thành mặt hàng lưu niệm mang nét văn hóa đặc sắc của Huế được du khách ưa chuộng. Rất nhiều du khách đã về tận các làng nón để được tận mắt chứng kiến và tham gia vào các công đoạn của nghề làm nón.

Không ít người đã thực sự bất ngờ và thích thú khi được người thợ nón lưu ảnh, tên của mình trên chiếc nón bài thơ mang về làm kỷ niệm. Nón lá là sản phẩm thủ công mỹ nghệ đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Làng nghề gốm Phước Tích gắn với tuor du lịch "Hương xưa làng cổ" trong mỗi dịp Fesstival Huế tổ chức. Làng Phước Tích. Phước Tích là ngôi làng cổ thứ hai của Việt Nam (cùng với làng cổ Đường Lâm - Hà Nội) còn khá nguyên vẹn những yếu tố gốc của làng cổ vùng văn hóa Huế và miền Trung. Làng cổ này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Các sản phẩm gốm ở làng nghề Phước Tích. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Nằm cách trung tâm Huế khoảng chừng 45 km, làng Phước Tích nép mình bên dòng Ô Lâu hiền hòa. Hiện nay, làng Phước Tích có 117 ngôi nhà, trong đó có 24 ngôi nhà cổ có giá trị, ngôi nhà cổ nhất được dựng vào năm 1850, kế đến là ngôi nhà được dựng vào năm 1870.

Nét đặc sắc nhất của làng là quy hoạch không gian kiến trúc được tổ hợp bằng các nhà vườn truyền thống, bố cục theo ba xóm gắn bó với nhau.
Hệ thống đường, cây xanh nối liền với nhau một cách tự nhiên và sinh động làm nên một vùng sinh thái độc đáo. Giữa các khuôn viên của ngôi nhà trong làng không được ngăn cách bằng hàng rào kín (bằng gạch xây, gạch mộc hay tường trình) và có cổng, mà là các hàng rào hở bằng cây chè tàu, uốn lượn theo trục đường làng, ngõ xóm và lối đi vào từng nhà.
Đặc điểm của làng cổ Phước Tích là làng không có ruộng, người dân sống bằng nghề gốm cổ truyền, vốn từ lâu đã trở thành thương hiệu. Mới đây, để giới thiệu, quảng bá nét hương xưa ở ngôi làng cổ độc đáo này, Tổ chức JICA phối hợp với Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) đã hỗ trợ và đào tạo nghề cho 20 người dân Phước Tích duy trì nghề gốm bằng cách sản xuất các sản phẩm, mẫu mã mới dựa trên kỹ thuật truyền thống để giới thiệu tại các kỳ Festival Huế.
Ngoài ra, khi đến Phước Tích, du khách còn có cơ hội tham quan hàng chục đình, chùa, miếu, đền thờ, như đình làng Trung, chùa Phước Bửu, miếu Cây Thị, miếu Ðôi, miếu Quang Tế (thờ Yoni và Linga của người Chăm), các miếu Âm hồn, Con Cọp, Bà Giang (người Chăm), đền Văn Thánh. Miếu Ðôi thờ người khai canh Hoàng Minh Hùng được phong làm Thần Hoàng của làng. Những di tích này mang đậm nét tâm linh của cư dân làng cổ tiêu biểu của Việt Nam.
Đối với làng nghề Hoa giấy Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế có vị trí khá đặc biệt, làng vốn có truyền thống làm nghề nông, tuy nhiên, vào tháng chạp, Thanh Tiên lại rộn rã với nghề làm hoa giấy. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi Nghề hoa giấy Thanh Tiên trong danh mục thống kê của các nghề thủ công từ thế kỷ XVI-XIX.
Sản phẩm hoa giấy thường được trang trí ở những nơi thờ tự trong nhà, các miếu, trang bà, am, bàn thờ ông địa, táo quân, thần bếp... Với sự phong phú và đa dạng, hoa giấy Thanh Tiên đã đáp ứng được nhu cầu về tín ngưỡng dân gian và ngày nay cả nhu cầu trang trí nội thất của người dân xứ Huế.
Ưu điểm của hoa giấy Thanh Tiên là phong phú về màu sắc, hình thức đẹp, để được lâu lại thể hiện sự trang nghiêm, một năm chỉ thay một lần vào dịp tết nên nó dễ được chấp nhận và tồn tại dài lâu. Cũng chính những đặc điểm đó mà thời gian sản xuất chính thức của nghề thủ công này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn vào cuối năm, chủ yếu vào tháng Chạp.

Ngày nay, loại hoa sen đã được phục hồi, quanh năm sản xuất, trở thành loại hoa trang trí độc đáo. Một bó hoa sen gồm hoa, lá, nụ đứng ở tầm xa khoảng vài mét mà người ta cứ ngỡ tưởng là bó hoa sen thật và Hoa sen giấy Thanh Tiên, biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt Nam đã sang Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc qua các lượt khách du lịch khi đến Huế.
Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh cho biết, trong năm 2018, nguồn vốn khuyến công sẽ tập trung hỗ trợ các làng nghề truyền thống; trong đó sẽ tập trung các nghề như dệt zèng, mộc mỹ nghệ, mây tre đan, đệm bàng, nón lá…

Ngoài việc hỗ trợ kinh phí trang bị máy móc, nguồn vốn khuyến công cũng sẽ tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cải tiến mẫu mã sản phẩm, đào tạo nghề với mục đích nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ.../.

>>>Du lịch Việt Nam: Nét đẹp làng cổ Phước Tích

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục