Thúc đẩy đầu tư cho khởi nghiệp phát triển tài nguyên bản địa

15:33' - 23/05/2018
BNEWS Kinh tế nông nghiệp đang từng bước khởi sắc không chỉ trên những con số về doanh thu mà còn thể hiện ở chất lượng; trong đó, có sự góp sức không nhỏ của người trẻ mạnh dạn khởi nghiệp ở quê hương.

Thực tế cho thấy, kinh tế nông nghiệp đang từng bước khởi sắc không chỉ trên những con số về doanh thu mà còn thể hiện ở chất lượng; trong đó, có sự góp sức không nhỏ của người trẻ mạnh dạn khởi nghiệp trên quê hương và đổi mới sáng tạo phát triển tài nguyên bản địa.

Điều này đã góp phần tạo nên làn gió mới hấp dẫn khuyến khích nhiều hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp phát triển tài nguyên bản địa.

*Khơi thông dòng vốn

Hiện nay, trong xu hướng hội nhập kinh tế, không chỉ thị trường toàn cầu mà ngay cả người tiêu dùng trong nước cũng ngày càng quan tâm đến quy trình sản xuất kinh doanh sản phẩm, dịch vụ.

Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ khởi nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh minh họa: TTXVN

Đồng thời, các vấn đề liên quan đến môi trường, văn hoá, gắn liền với giá trị truyền thống. Do đó, chỉ dẫn địa lý được đánh giá là yếu tố cạnh tranh hiệu quả hơn cả công nghệ và mang lại giá trị gia tăng thiết thực cho doanh nghiệp và lợi ích quốc gia.

Theo đó, Chương trình Sáng tạo khởi nghiệp (SKC) - Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã phát động cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4 – năm 2018 với chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ”. Đây là môi trường thuận lợi kết nối giao lưu cho các bạn trẻ chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp trên nhiều lĩnh vực; nhất là lĩnh vực nông nghiệp.

Liên quan đến chủ đề này, bà Vũ Kim Anh, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho hay, cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4 năm 2018, hướng đến mục tiêu khuyến khích các đối tượng tham gia sẽ chú trọng và ưu tiên chọn lựa các dự án phát triển tài nguyên bản địa chính yếu của địa phương; du lịch sinh thái, môi trường từ tài nguyên bản địa và các dự án có thể phát triển thị trường có hàm lượng công nghệ nhất định hoặc nâng cao vai trò của công nghệ trong chuỗi giá trị.

Cuộc thi năm nay, cũng mở rộng dành cho đa dạng đối tượng tham gia là sinh viên các trường đại học, cao đẳng nghề, cá nhân, nhóm, các câu lạc bộ, hợp tác xã, doanh nghiệp khởi nghiệp…

Bên cạnh các giải thưởng, những đề án hay và có giá trị sẽ được giới thiệu cho các nhà đầu tư xem xét đầu tư, để hỗ trợ hiện thực hóa dự án và tham gia Ngày hội khởi nghiệp Công nghệ sáng tạo Việt Nam (Techfest 2018) nhằm kết nối thị trường theo chuỗi hoạt động của BSA.

Tương tự, với mục tiêu tiếp thêm một phần sức lực và khuyến khích kêu gọi vốn cho khởi nghiệp phát triển tài nguyên bản địa, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và Liên minh HTX Việt Nam đã công bố Chương trình Khởi nghiệp xanh trên quê hương Việt Nam.

Đây là chương trình hỗ trợ khởi nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn, thu hút tri thức trẻ khởi nghiệp.

Ngoài ra, hỗ trợ thanh niên nông thôn - đặc biệt là đối tượng công nhân từ các khu công nghiệp không còn đủ điều kiện sức khỏe để tiếp tục công việc - về quê lập nghiệp, ổn định cuộc sống và làm giàu bền vững trên mảnh đất quê hương.

Để đồng hành cùng chương trình này Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Đầu tư Saigon Peninsula cùng các đối tác đã huy động 200 tỷ đồng để tài trợ cho giai đoạn 1 của chương trình.

Tiếp theo ban điều phối chương trình sẽ tiếp tục kêu gọi nhiều đơn vị khác tham gia để đồng hành cùng chương trình một cách lâu dài. Đồng thời, số tiền này sẽ do ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn quản lý và sẽ giải ngân cho những trường hợp theo tiêu chí của chương trình.

Theo ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, đồng thời là người điều phối Chương trình Khởi nghiệp Xanh trên quê hương Việt Nam 2018, mặc dù có nhiều lợi thế trên nền tảng làng nghề, hợp tác xã với sản phẩm nông, đặc sản địa phương, nhưng trên thực tế đường về quê của những cử nhân đại học hoặc những người có ‘kinh nghiệm’ từ thành phố không phải lúc nào cũng thênh thang, rộng mở.

Trong đó, khó khăn lớn nhất với người trẻ hiện nay là vốn, bởi thời gian tích lũy chưa nhiều, chưa có tài sản thế chấp nên điều kiện để thanh niên mới tốt nghiệp đại học tiếp cận các nguồn vốn vay rất hạn chế.

Chính vì vậy, việc khởi xướng Chương trình Khởi nghiệp Xanh trên quê hương Việt Nam 2018, không dừng lại ở việc hưởng ứng chương trình khởi nghiệp quốc gia do Chính phủ phát động, mà phạm vi hoạt động của chương trình này hướng về nông thôn nhằm tạo điều kiện đưa công nghệ, tri thức, dòng vốn về nông thôn.

Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất chương trình cũng sẽ có những nội dung hỗ trợ khác như: đào tạo giúp các đơn vị khởi nghiệp trẻ nâng cao năng lực sản xuất, quản trị...

*Chỉ dẫn địa lý sản phẩm

Tính đến tháng 3/2018, Việt Nam mới chỉ mới triển khai bảo hộ 66 chỉ dẫn địa lý; trong đó, có 60 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Số lượng các sản vật được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận ở mức khoảng 1.000 sản phẩm.

Ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, tuy đây là những con số vô cùng khiêm tốn so với tình hình phát triển kinh tế và hội nhập nền kinh tế thế giới của Việt Nam, nhưng là tín hiệu tích cực và mang tính lan tỏa, cũng như đơn vị sản xuất kinh doanh ngày càng nâng cao nhận thức về thực hiện phát triển chỉ dẫn địa lý, bảo vệ quyền bảo hộ sản phẩm, thương hiệu hơn.

Bên cạnh việc xây dựng chuỗi cung cầu, trong bối cảnh hội nhập thị trường thương mại tự do, chỉ dẫn địa lý đóng vai trò quan trọng trong chỉ với doanh nghiệp mà còn đối với quốc gia.

Vừa qua, sản phẩm dừa xiêm xanh và bưởi da xanh của tỉnh Bến Tre đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chỉ dẫn địa lý, đã góp phần thúc đẩy thúc đẩy phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam.

Hai sản phẩm này là những mặt hàng chủ lực của tỉnh Bến Tre, có tiềm năng trở thành thương hiệu Quốc gia.

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc”. Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Việc cấp chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản địa phương, không chỉ là cơ sở pháp lý để hàng hoá nông sản Việt Nam có nền tảng vững chắc giữ vững thị phần trên sân nhà, thâm nhập thuận lợi vào các thị trường xuất khẩu, cũng như là một công cụ cạnh tranh hiệu quả, đấu chống hàng nhái, hàng giả và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu hàng hóa.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia cho biết, hình thành và phát triển sản phẩm xuất xứ địa lý phải gắn liền với sở hữu mang tính cộng đồng, khai thác lợi thế thương hiệu của địa phương.

Trong đó, tên gọi xuất xứ địa lý là động lực tăng thu nhập nông dân và phát triển nông nghiệp thông qua sản phẩm có chỉ dẫn địa lý.

Ông Hà Huy Tuấn, đại diện Dự án Hợp tác xã Hương Rừng, sản xuất kinh doanh mật ông bản địa cho biết, dự án này được triển khai dựa trên việc tận dụng tài nguyên rừng ở huyện Na Ri, tỉnh Bắc Kạn, để nuôi ông lấy mật.

Hợp tác xã có 34 thành viên, ngoài việc nuôi ong theo hướng tự nhiên nên chất lượng mật khá tốt, an toàn; còn hỗ trợ nhau phát triển nhiều sản phẩm khác từ rừng.

Không dừng lại ở đó, dự án góp phần nâng cao khả năng và trách nhiệm trong việc quản lý và khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên rừng, duy trì và nuôi dưỡng hệ sinh thái tự nhiên cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa cộng đồng.

Đặc biệt, xây dựng hệ thống khai thác và quản lý chỉ dẫn địa lý, cần thành lập hiệp hội sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm quản lý các hộ gia đình, doanh nghiệp…

Trong quá trình sản xuất, thu mua, chế biến, cơ quan Nhà nước nên giao quyền quản lý cho các cơ quan, tổ chức có chức năng để tổ chức hệ thống sử dụng và khai thác hiệu quả chỉ dẫn địa lý; đồng thời, sớm ban hành quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cũng như hệ thống các văn bản quản lý chỉ dẫn địa lý, phát triển kênh thị trường cho người dân…/.

Xem thêm:

>>>Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ khởi nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao

>>>Nhiều dự án khơi nghiệp nông nghiệp sáng tạo

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục