Thúc đẩy tài trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

18:06' - 27/10/2016
BNEWS Lợi ích liên kết doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu là tiếp cận các nguồn lực đầu tư, đầu vào; đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng quốc tế hóa, mở rộng thị trường.
Thúc đẩy tài trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh minh họa:TTXVN

Đây là chia sẻ của Thạc sỹ Tô Hoài Nam, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại "Hội thảo quốc tế tài trợ chuỗi cung ứng tại Việt Nam" tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 27/10.

Theo Thạc sỹ Tô Hoài Nam , liên kết doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu còn thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển giao công nghệ, gia tăng giá trị sản phẩm, tham gia thầu phụ các doanh nghiệp lớn... Điển hình, doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản đã quốc tế hóa năng lực cạnh tranh khi tham gia thành công vào các chuỗi giá trị toàn cầu (Global value chain – GVC).

Đồng quan điểm, ông Jinchang Lai, chuyên gia ngành tài chính cao cấp, Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) cho rằng, Việt Nam đang tích cực triển khai các hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế và nâng cao chuỗi giá trị của mình cũng như tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong đó, Chính phủ Việt Nam đang tập trung phát triển nhiều lĩnh vực quan trọng như: công nghiệp hỗ trợ, ngân hàng, xuất nhập khẩu, nông nghiệp công nghệ cao... Vì vậy, tài trợ chuỗi cung ứng không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với việc nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Theo ông Jinchang Lai, khảo sát thực tế cho thấy, tài chính tạo ra sự khác biệt và hình thành thương hiệu, uy tín cho các nhà xuất nhập khẩu ở các nước và vùng lãnh thổ. Do đó, các hệ thống ngân hàng tại Việt Nam , cần hoạch định chiến lược phát triển có tầm nhìn xa, đặc biệt là hướng vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu để tài trợ vốn và quản lý rủi ro tốt hơn.

Bởi khi được hỗ trợ các dịch vụ tài chính phù hợp, doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để tối đa hóa tiềm năng cũng như mở rộng thị trường.

Hiện tại, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam tham gia liên kết được với chuỗi cung ứng toàn cầu rất thấp và tỷ lệ này thấp hơn một số nước trong khu vực như Thái Lan , Malaysia ...

Do đó, tăng cường các giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng giúp khắc phục vấn đề thiếu hụt vốn này ở Việt Nam , bởi nó cho phép các nhà cung cấp cải thiện tình trạng vốn lưu động bằng việc chuyển hóa những khoản phải thu và hàng tồn kho thành tiền mặt một cách nhanh chống. Bên cạnh đó, việc này cũng giúp các nhà cung cấp tiếp cận vốn với chi phí thấp dựa trên mức tín nhiệm tín dụng cao của bên mua.

Chia sẻ kinh nghiệm tài trợ chuỗi cung ứng, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (IFC) cho biết, việc tổ chức và số hóa quy trình chuỗi cung ứng hiện đại liên kết giữa các bên mua, nhà cung cấp và các định chế tài chính của họ sẽ giúp nhà sản xuất và nhà xuất khẩu trong nước có thể tận dụng tối đa các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, mang lại điều kiện thuận lợi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu để phát triển doanh nghiệp, mở rộng thị trường mới và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế đất nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục