Thực thi chính sách bảo hiểm y tế tại cơ sở y tế tư nhân: Vướng những gì?

17:17' - 03/07/2017
BNEWS Chưa có sự thống nhất trong thực thi chính sách bảo hiểm y tế giữa các địa phương; việc giám định, xuất toán bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều bất cập.
Thực thi chính sách bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế tư nhân: Còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa: Dương Ngọc - TTXVN

Chưa có sự thống nhất trong thực thi chính sách bảo hiểm y tế giữa các địa phương; việc giám định, xuất toán bảo hiểm y tế vẫn còn nhiều bất cập là kiến nghị của các đại biểu tham dự hội nghị Đối thoại chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế khu vực phía Nam do Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Hiệp hội bệnh viện tư nhân tổ chức ngày 3/7 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Vũ Xuân Bằng, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Đến quý I năm 2017, cả nước có 444 bệnh viện và phòng khám tư nhân ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, các cơ sở y tế tư nhân chưa thực hiện đúng các quy định trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mà Bộ Y tế yêu cầu, như thực hiện dịch vụ kỹ thuật vượt định mức, vượt thời gian quy định; đề nghị xin được xuống hạng bệnh viện mặc dù quy mô, nhân lực không thay đổi; sử dụng bác sỹ chưa được cấp chứng chỉ hành nghề; bác sỹ tại cơ sở công lập khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tư nhân vượt quá 200 giờ/năm; không thông báo và phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc mua, đấu thầu thuốc, vật tư thiết bị y tế; sử dụng biệt dược gốc tỷ lệ cao…

Ở chiều ngược lại, đại diện của các cơ sở y tế tư nhân lại cho rằng, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế của các địa phương vẫn còn nhiều bất cập.

Bác sỹ Phan Ngọc Hùng, Giám đốc Bệnh viện An Phước (tỉnh Bình Thuận) phản ánh, bệnh viện bị từ chối khi xét nghiệm định nhóm máu ABO cho sản phụ, nhưng theo bác sỹ Hùng đây là xét nghiệm cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho sản phụ.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội cũng từ chối thanh toán giường bệnh nội trú với lý do bệnh viện cho bệnh nhân nằm ghép trong khi thực tế thì không nằm ghép.

Ông Đào Cảnh Tuất, Giám đốc Bệnh viện Vạn Phúc (tỉnh Bình Dương) cho rằng, năng lực của các giám định viên bảo hiểm y tế còn hạn chế, chưa hiểu rõ nhiều vấn đề chuyên môn trong quá trình khám chữa bệnh dẫn đến khó tìm được tiếng nói chung và các bệnh viện thường bị xuất toán.

Đồng tình với quan điểm này, bác sỹ Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc Bệnh viện Y Đức (tỉnh Đồng Nai) cũng cho rằng công tác giám định hiện nay vẫn còn quá bất hợp lý.

Bác sỹ Nguyễn Đắc Lực ví dụ, một bác sỹ chuyên khoa 2 về tim mạch chỉ định cho toàn bộ bệnh nhân tim mạch của bệnh viện, nhưng khi giám định viên chỉ là kế toán đến kiểm tra thì lại bác bỏ một số chỉ định của bác sỹ.

Điều này khiến các bác sỹ rất bức xúc và ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của bệnh nhân.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết sẽ kiểm tra, thẩm định lại cũng như đề xuất giải pháp để có sự điều chỉnh hợp lý trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ phối hợp với Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong việc thực thi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ sở y tế công lập lẫn ngoài công lập thực hiện việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo mọi quyền lợi cho người bệnh.

Ông Nguyễn Minh Thảo cũng cho rằng, sau khi thông tuyến bảo hiểm y tế, số lượng bệnh nhân đến khám bệnh tại khu vực tư nhân đã tăng lên nhưng nhiều nơi lại xuất hiện hiện tượng thu hút bệnh nhân không sòng phẳng.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu chấn chỉnh lại tình trạng này.

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Y tế tư nhân kiến nghị đơn vị Bảo hiểm xã hội cần có chính sách công bằng với các cơ sở y tế tư nhân; đồng thời thống nhất, đồng bộ trong việc thực thi chính sách về bảo hiểm y tế giữa các địa phương trên cả nước, tránh tình trạng địa phương này áp dụng theo Thông tư này, địa phương khác lại áp dụng theo Nghị định khác.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục