Thực thi chính sách thuế: Khi mục tiêu bị chệch hướng
Việc sửa đổi và thực thi Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với phân bón (theo tinh thần Luật 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội khóa XIII) đang gây ra những tác động bất lợi không chỉ với doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, với nông dân mà còn gây thiệt hại cho chính nguồn thu ngân sách nhà nước.
Hệ lụy từ chính sách thuế
Tại toạ đàm “Thúc đẩy sản xuất kinh doanh từ chính sách thuế” do báo Tuổi trẻ tổ chức ngày 1/6, ông Nguyễn Hạc Thuý, quyền Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, kể từ năm 2015 đến nay, việc đưa mặt hàng phân bón từ diện chịu thuế VAT 5% sang diện mặt hàng không chịu thuế theo Luật 71/2014/QH13 đang tạo ra những rào cản đối với sự phát triển của sản xuất phân bón trong nước, đồng thời tạo điều kiện cho phân bón nước ngoài “ồ ạt” vào Việt Nam.
Theo đó, toàn bộ thuế VAT nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất phân bón không được khấu trừ và doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh làm cho giá thành sản phẩm phân bón tăng từ 5 - 8%, dẫn đến giá phân bón đến tay nông dân cũng bị tăng theo. Vì thế, sự thay đổi chính sách thuế đã không thể giúp nông dân hưởng lợi từ giá phân bón như mục tiêu đề ra ban đầu của chính sách thuế này, ông Thuý chỉ rõ. Hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón ở trong nước như: Công ty đạm Hà Bắc, Công ty DAP-Vinachem, Công ty DAP Lào Cai, Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (đạm Phú Mỹ), Công ty phân bón Dầu khí Cà Mau (đạm Cà Mau) đang khó khăn vì gánh nặng tài chính bất hợp lý này. Ông Dương Trí Hội, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí cho biết: Với hai sản phẩm chính là phân đạm và NPK, từ khi Luật 71/2014/QH14 phát huy tác dụng vào năm 2015 đến nay, khoản thuế mà doanh nghiệp không được khấu trừ so với trước đây lên tới 1.000 tỷ đồng. Với việc vừa đưa dây chuyền sản xuất NPK công nghệ hiện đại châu Âu vào hoạt động, năm 2018 này, dự kiến con số thuế không được khấu trừ sẽ còn tăng cao hơn nữa và doanh nghiệp buộc phải hạch toán vào giá thành phân bón. Ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phân đạm Hà Bắc cũng cho biết, chi phí sản xuất của doanh nghiệp bị tăng “chóng mặt” bởi nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đạm urê của Công ty là than phải chịu thuế 10% nhưng Công ty không được khấu trừ. Vì vậy, cho dù Công ty đã tiết giảm chi phí quyết liệt, kể cả giảm lương người lao động nhưng cũng không thể bù đắp khoản tài chính này và buộc phải hạch toán vào giá thành sản xuất. Kết quả là giá phân đạm urê bị đội lên 500 đồng/kg so với trước đây. Không chỉ có doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước chịu thiệt hại, doanh nghiệp FDI có nhà máy sản xuất phân bón đặt tại Việt Nam cũng “lao đao” vì chính sách thuế bất hợp lý này. Ông Mr Sigmund Stromme, Chủ tịch điều hành Công ty Phân bón Baconco cho biết, trong giai đoạn 2015-2017, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất phân urê hoá lỏng công nghệ mới nhất của EU với tổng vốn đầu tư 13 triệu USD.Việc thay đổi chính sách thuế đưa phân bón vào diện không chịu thuế VAT đã khiến Công ty “mất" 1,3 triệu USD do không được hoàn thuế. Vì vậy, với năng lực sản xuất hiện nay, mỗi năm công ty bị thiệt hại 1 triệu USD do không được hoàn thuế.
Đây không chỉ là gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp mà còn kéo theo hệ lụy là đóng góp vào ngân sách Nhà nước Việt Nam của Công ty bị giảm sút nghiêm trọng, từ mức 5,3 triệu USD/năm (thời điểm trước khi Luật 71 có hiệu lực) xuống còn 2,4 triệu USD/năm như hiện nay, ông Sigmund Stromme nhấn mạnh. Trong khi đó, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại năm 2014 (thời điểm trước khi Luật 71 được áp dụng) chỉ là 3,7 triệu tấn thì đến năm 2017 con số này đã là hơn 5,6 triệu tấn, tăng gần 2 triệu tấn, riêng đạm urê tăng gần 2,5 lần.Sớm sửa đổi Luật 71/2014/QH13
Thực tế là hầu hết các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong khu vực với công nghệ cũ đều được "hậu thuẫn" để có thể “chen chân” vào thị trường Việt Nam.
Cùng đó, với việc hưởng lợi từ thuế nhập khẩu của Việt Nam giảm theo cam kết của hiệp định thương mại tự do, doanh nghiệp phân bón nước ngoài càng có điều kiện hạ giá bán phân bón mạnh để cạnh tranh bằng mọi giá với phân bón nội địa. Vì vậy, nếu Luật 71 này không sớm được sửa đổi thì sản xuất phân bón trong nước sẽ dần bị phân bón nhập khẩu “thâu tóm”, ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phân đạm Hà Bắc khẳng định. Đồng quan điểm này, đại diện đạm Phú Mỹ cảnh báo, nếu chính sách thuế như hiện nay mà không được sửa đổi thì Việt Nam sẽ thành nơi nhập khẩu phân bón chất lượng thấp do đi từ công nghệ lạc hậu. Vì vậy, khi yếu tố quan trọng đầu vào là phân bón không đảm bảo chất lượng thì mục tiêu phát triển nông nghiệp sạch của Chính phủ sẽ khó có thể thành hiện thực. Tại toạ đàm này, chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho biết, việc sửa đổi đối tượng chịu thuế VAT theo Luật 71 được xuất phát từ đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhằm mục đích giúp nông dân được hưởng lợi từ giá phân bón.Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tế, chính sách thuế VAT này đã bộc lộ những bất lợi khi chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, còn nông dân vẫn phải mua phân bón với giá không giảm khi doanh nghiệp hạch toán phần thuế không được khấu trừ này vào giá thành sản xuất.
Vì vậy, chính sách thuế này cần được sớm sửa đổi theo hướng đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT 5% như trước đây để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa phân bón sản xuất trong nước và phân bón nhập khẩu, ông Thịnh đề xuất. Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia pháp chế VCCI Nghiêm Minh Đức cho biết, quá trình soạn thảo Luật 71 này đã không lường trước được các hệ lụy với ngành sản xuất phân bón trong nước. Theo tính toán của VCCI, thuế VAT theo Luật 71 này hiện còn tạo ra những tác động bất lợi với nhiều ngành hàng khác như các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, sản phẩm thuỷ sản đánh bắt chưa chế biến, giống vật nuôi giống cây trồng, máy nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ, thức ăn chăn nuôi, muối… Ông Đức cũng cho biết, trong tờ trình mới đây lên Chính phủ về sửa đổi các luật thuế, Bộ Tài chính đã nhận ra những bất cập trong triển khai luật thuế này và có kiến nghị đưa một số mặt hàng thuộc diện không chịu thuế sang diện chịu thuế VAT 5%; trong đó có tàu cá, máy nông nghiệp và phân bón. Tuy nhiên, quá trình sửa đổi này vẫn kéo dài bởi việc sửa đổi Luật phải do Quốc hội quyết định nên thời gian bị kéo dài.Qua tìm hiểu của phóng viên, mức thuế VAT trên thế giới được nhiều nước áp dụng cho mặt hàng phân bón đều theo hướng có lợi cho sản xuất nội địa. Theo đó, Pháp đang áp dụng thuế VAT cho phân bón là 20%, Na Uy áp dụng mức 25% và Nhật Bản đang áp mức 7%./.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Đồng loạt kiến nghị đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT
13:21' - 01/06/2018
Việc chuyển mặt hàng phân bón từ diện áp dụng thuế suất VAT 5% sang đối tượng không chịu thuế, đã dẫn đến toàn bộ thuế VAT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ...
-
Hàng hoá
Vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng
21:30' - 17/04/2018
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón.
-
Doanh nghiệp
Áp thuế tự vệ phân bón chỉ là giải pháp tình thế
13:19' - 28/03/2018
Việc áp thuế được xem như giải pháp tình thế trong bối cảnh hiện nay, nhưng đây là biện pháp giúp bảo vệ ngành sản xuất phân bón trong nước.
Tin cùng chuyên mục
-
Tài chính
Giới chuyên gia: Thu từ thuế quan của Mỹ có thể thấp hơn nhiều dự báo
13:17'
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định thuế quan sẽ giúp nền kinh tế nước này “giàu có”, song các chuyên gia kinh tế cho rằng số tiền thu về có thể thấp hơn nhiều so với dự báo của Nhà Trắng.
-
Tài chính
IMF lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận tín dụng với Argentina
07:00'
Chính phủ Argentina khẳng định khoản vay IMF sắp tới sẽ không được sử dụng cho mục đích chi tiêu mà nhằm tái cấp vốn cho BCRA. Hiện tại, Argentina đang là "con nợ" lớn nhất của IMF.
-
Tài chính
Hỗ trợ quyết toán thuế thu nhập cá nhân 2024 từ ứng dụng eTax Mobile
17:06' - 01/04/2025
Năm nay, cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thu nhập cá nhân, thời hạn chậm nhất là ngày 5/5/2025.
-
Tài chính
Hàn Quốc: Thị trường đồ cũ trị giá 43.000 tỷ won và thách thức từ chính sách thuế
07:30' - 01/04/2025
Delivered Korea – công ty hỗ trợ khách hàng nước ngoài mua hàng từ các nhà bán lẻ Hàn Quốc, bao gồm cả hàng cũ – đạt giá trị giao dịch 48 tỷ won vào năm ngoái, tăng hơn 200% so với năm trước.
-
Tài chính
Cảnh báo giả mạo trang facebook của Bộ Tài chính
17:36' - 31/03/2025
Bộ Tài chính vừa đưa ra cảnh báo trang facebook có tên “Tiếp nhận Xử lý Thu hồi và Hoàn Trả Vốn Treo” sử dụng hình ảnh và thông tin của Bộ Tài chính, tự nhận là đại diện Bộ Tài chính là giả mạo.
-
Tài chính
Nhiều bộ ngành, địa phương có nguy cơ không hoàn thành gửi báo cáo kiểm kê tài sản công
10:30' - 30/03/2025
Bộ Tài chính cho biết vẫn còn các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành việc đăng ký đối tượng kiểm kê, chậm so với thời hạn yêu cầu.
-
Tài chính
Hải Dương nâng cao chất lượng đầu tư, thu hút mạnh dòng vốn ngoại
10:22' - 30/03/2025
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện có 18 dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; trong đó có 2 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 74 triệu USD và 16 dự án DDI với tổng vốn đầu tư khoảng 23.614 tỷ đồng.
-
Tài chính
Thị trường tiền tệ toàn cầu khép lại một tuần đầy biến động
14:09' - 29/03/2025
Thị trường tiền tệ toàn cầu vừa khép lại một tuần đầy biến động, khi các đồng tiền chủ chốt phản ứng mạnh trước loạt tín hiệu kinh tế quan trọng.
-
Tài chính
Mỹ tạm ngừng đóng góp tài chính cho WTO
15:16' - 28/03/2025
Theo các nguồn tin thương mại giấu tên ngày 27/3, Mỹ đã tạm ngừng đóng góp tài chính cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).