Thuốc nội đáp ứng 50% nhu cầu sử dụng trong nước

20:06' - 17/03/2016
BNEWS Phải đơn giản hóa quy trình đăng ký thuốc và có tổ chức quy trình thanh toán bảo hiểm hợp lý hơn thì mới tạo điều kiện thuận lợi để người bệnh được tiếp cận với thuốc phát minh.
Thuốc nội đáp ứng 50% nhu cầu sử dụng trong nước. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Đây là ý kiến của bà Cecile Degans-Tổng Giám đốc IMS Health (Công ty cung cấp dữ liệu dược phẩm) tại Việt Nam, ở Hội thảo Nâng cao sức khỏe người bệnh: Tầm quan trọng của chất lượng và phát minh trong lĩnh vực dược phẩm ngày 17/3.

Bà Cecile Degans cũng cho rằng, Việt Nam cũng cần phải nâng cao yêu cầu về chất lượng trong mua sắm công để giảm nguy cơ về chất lượng thuốc và khả năng cung ứng thuốc; tạo ra các ưu đãi để thu hút các công ty đa quốc gia mang công nghệ và các bí quyết sản xuất tiên tiến vào Việt Nam; thiếp lập những mục tiêu tích hợp để bệnh nhân được tiếp cận với thuốc phát minh sẽ là chìa khóa cho việc thực thi các chính sách mới…

Thuốc phát minh (hay còn gọi là thuốc gốc) là thuốc tương đương sinh học với biệt dược gốc về các tính chất dược động học và dược lực học, được sản xuất khi quyền sở hữu công nghiệp của biệt dược đã hết hạn, nhờ đó thường được bán với giá rẻ hơn.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, thời gian qua, cùng với những đổi mới của ngành Y tế, lĩnh vực dược đã từng bước phát triển. Chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị tiền thuốc sản xuất trong nước đạt 1 tỷ 649 triệu USD, tăng 18,6% so với cả năm 2014, đáp ứng được 48% nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân. Tiền thuốc bình quân đầu người đạt mức 37,97 USD, tăng 10% so với năm 2014 và tăng gần gấp đôi so với năm 2009.

Tuy nhiên, thị trường thuốc ở Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài vì nước ta vẫn đang phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu làm thuốc.

Thuốc sản xuất trong nước cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu sử dụng thuốc (chủ yếu là thuốc generic), trong khi Việt Nam có trên 180 nhà máy sản xuất thuốc tân dược hoặc thuốc dược liệu, trong đó có trên 150 nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP).

Kỳ vọng vào Luật dược sửa đổi

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên cũng như các quy định không còn phù hợp thực tiễn trong Luật dược hiện hành, đại diện Bộ Y tế cho rằng, Luật dược (sửa đổi) đang soạn thảo sẽ đáp ứng được những nhu cầu này.

Ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, Dự thảo Luật dược (sửa đổi) sẽ có nhiều điểm mới như quy định về hành nghề dược, kinh doanh dược, đăng ký thuốc, phát triển dược liệu- thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền, dược lâm sàng, thử thuốc trên lâm sàng, quản lý Nhà nước về giá thuốc…

Riêng về quản lý giá thuốc, Dự thảo sẽ quy định Bộ Y tế là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Tuy nhiên, có phân công rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan để thực hiện đúng theo Luật Đấu thầu và Luật Giá. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng kê khai giá cao quá mức ở các cơ sở y tế. Hình thức quản lý này cũng sẽ đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo cung ứng đủ thuốc với chất lượng và giá cả chấp nhận được.

Để hạn chế tình trạng thuốc biệt dược gốc độc quyền tăng giá, Dự thảo quy định việc mua sắm các thuốc biệt dược gốc phải thực hiện theo Luật Đấu thầu. Theo đó, các thuốc biệt dược gốc, thuốc có ít nhà cung ứng trên thị trường sẽ được áp dụng hình thức đàm phán giá cấp quốc gia.

Đặc biệt, dự thảo luật quy định rõ chính sách ưu tiên đối với thuốc sản xuất trong nước nhằm bảo đảm thuốc trong nước dần có thể thay thế được các thuốc nhập khẩu có cùng tiêu chí kỹ thuật.

Với nhiều điểm mới trong Dự thảo Luật dược sửa đổi được đại diện Bộ Y tế thông tin nêu trên nếu được thông qua, sẽ giúp người dân dễ dàng được tiếp cận với những loại thuốc chất lượng và giá hợp lý. Đây cũng là mong muốn và nhu cầu chính đáng của người dân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục