Thượng đỉnh Nhật – Trung – Hàn: Thêm một tiếng nói cho thương mại tự do

10:16' - 11/05/2018
BNEWS Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã mở ra cơ hội mới để ba nước thúc đẩy tự do thương mại đa phương tại khu vực Đông Bắc Á nói riêng và rộng hơn là châu Á – Thái Bình Dương
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh Nhật-Trung-Hàn ở Tokyo, Nhật Bản ngày 9/5. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên trong hai năm rưỡi qua giữa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc đã mở ra cơ hội mới để ba nước thúc đẩy tự do thương mại đa phương tại khu vực Đông Bắc Á nói riêng và rộng hơn là châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời thể hiện sự đồng thuận cao trong việc ủng hộ tự do thương mại toàn cầu.

Tại hội nghị cấp cao ba bên lần này, xu thế tự do thương mại đa phương dự kiến sẽ được tiếp thêm động lực mới nếu ba nền kinh tế lớn ở châu Á nhất trí thúc đẩy Hiệp định tự do thương mại Trung – Nhật – Hàn.

Tất cả các sáng kiến thương mại đa phương nói trên chính là những nỗ lực của ba chính phủ với chủ trương hợp tác để tăng cường tự do thương mại đa phương tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới, tạo động lực cho một nền kinh tế toàn cầu cân bằng, tự do, công khai và đem lại lợi ích cho tất cả các bên.

Hội nghị cấp cao ba bên lần này được kỳ vọng sẽ là dịp để ba nước bày tỏ sự đồng thuận cao đối với chủ trương ủng hộ tự do thương mại toàn cầu.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, hội nghị lần này được xem là cơ hội để ba nền kinh tế chiếm tới hơn 20% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu và 1/4 sản lượng hàng hóa, dịch vụ của thế giới, khôi phục lòng tin chiến lược và nâng tầm hợp tác.

Tại cuộc gặp lần này, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh tự do thương mại đang dẫn dắt kinh tế thế giới đi đúng hướng, đồng thời kêu gọi đẩy nhanh các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do ba bên, sớm đạt được Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và tiến tới xây dựng Cộng đồng Kinh tế Đông Á.

Ông Lý Khắc Cường cũng đề xuất ba nước tiến hành các dự án chung trong những lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, quản lý thảm họa và tiết kiệm năng lượng thông qua mô hình hợp tác mới "Trung Quốc - Nhật Bản - Hàn Quốc + X".

Đàm phán FTA giữa ba nước được khởi xướng từ năm 2002 nhưng mãi đến tháng 11/2012 mới bắt đầu. Đến nay, cuộc đàm phán này đã trải qua 13 vòng nhưng vẫn bế tắc do các vấn đề thương mại hàng hóa - dịch vụ và đầu tư.

Nếu hiệp định FTA này được ký kết, nó sẽ góp phần giúp GDP của Trung Quốc tăng thêm 2%, Nhật Bản tăng thêm 0,3% và Hàn Quốc tăng thêm 2,8%.

Rõ ràng dòng chảy đầu tư và hoạt động thương mại giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đang là minh chứng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của 3 quốc gia này.

Sự gia tăng trở lại của dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Trung Quốc cho thấy các doanh nghiệp nước này đã tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư ở Trung Quốc.

Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Seoul và cũng là điểm đến của gần 25% sản lượng hàng hoá xuất khẩu của Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, sự phát triển quan hệ thương mại Nhật – Hàn cũng đáng khích lệ. Năm 2017, Hàn Quốc đã xuất khẩu 26,8 tỷ USD hàng hóa sang Nhật Bản, trong khi xuất khẩu của Nhật Bản vào Hàn Quốc đã tăng lên đến gần 20%.

Những con số biết nói trên cho thấy tín hiệu ấm lên của mối quan hệ đã có thời kỳ “đóng băng” vì vấn đề Triều Tiên.

Hội nghị thượng đỉnh Nhật - Trung – Hàn lần này không đề cập tới những tranh chấp lãnh thổ và lịch sử cho thấy lãnh đạo của ba nước đang tạm gác lại những xung đột và hiềm khích lịch sử để theo đuổi lợi ích chung.

Một bán đảo Triều Tiên hòa bình và ổn định, cùng việc thúc đẩy hợp tác kinh tế mạnh mẽ sẽ mang lại những cơ hội phát triển mới cho cả ba nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục